Theo Hiến pháp 2013, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Trên cơ sở đó, Bộ Luật Tố tụng Hình sự (LTTHS) 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cụ thể hóa nguyên tắc trên. Điều 16, Bộ LTTHS 2015, nêu: "Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ".
Luật cho phép gặp riêng
Người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ theo quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Từ tháng 3-2018, trong thông tư liên tịch, Bộ Công an chỉ đạo cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm giam, tạm giữ gặp người bào chữa sau khi xem xét đầy đủ thủ tục. Nếu cần, người có thẩm quyền hoặc thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án sẽ phối hợp với trại giam giám sát buổi gặp mặt. Người giám sát có quyền dừng buổi gặp, lập biên bản trong trường hợp có người vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, cản trở việc giải quyết vụ án.
Luật sư tham gia tranh tụng tại tòa trong vụ án hình sự
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) nhận xét đó là những điều luật liên quan đến việc gặp riêng giữa người bào chữa và người bị buộc tội. Ngoài quyền tham dự các buổi lấy lời khai, đối chất thì nay người bào chữa có thể gặp riêng người bị buộc tội nếu có đủ giấy tờ, thủ tục. Thông qua đó, pháp luật bảo đảm quyền lợi người bị buộc tội cũng như người bào chữa.
Khó xảy ra
Trên thực tế, luật sư Nguyễn Hồng Hà cho biết đến nay người bào chữa được tham dự khi cơ quan điều tra lấy lời khai, hỏi cung, đối chất. Về việc gặp riêng, hầu như chưa có trường hợp nào được sắp xếp ổn thỏa. Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thường lúng túng khi tiếp nhận đề nghị từ người bào chữa.
Đơn cử, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đang quyết liệt lên tiếng khi không được vào gặp thân chủ trong trại tạm giam ở tỉnh Bình Dương. Hiện VKSND tỉnh Bình Dương thông báo chuyển đơn kiến nghị của luật sư Quynh đến Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh). Trong đơn, luật sư yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời lý do không giải quyết việc luật sư tiếp xúc, gặp riêng bị can.
Theo diễn biến vụ việc, ngày 10-8-2018, Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh. Lúc bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Khanh là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương. Hai ngày sau, gia đình ông Khanh mời luật sư Quynh tham gia vào quá trình điều tra. Đến ngày 16-8, luật sư đến trại giam hoàn tất thủ tục gặp bị can. Cán bộ trại giam trả lời ban giám thị trại không cho phép. Cán bộ trại giam giải thích rằng đối với trường hợp ông Khanh, cơ quan chức năng có văn bản yêu cầu trại giam không cho luật sư gặp bị can khi điều tra viên không có mặt. Trại giam không có văn bản chính thức về lý do từ chối. Không thể gặp thân chủ, luật sư Quynh gõ cửa nhiều nơi (công an, VKSND tỉnh Bình Dương…). Đến nay, ông vẫn chưa nhận phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền.
Tương tự, bị can trong vụ án "Tham ô tài sản" (xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa) yêu cầu có luật sư bào chữa. Dù luật sư có yêu cầu nhưng cơ quan công an "ngó lơ" đề nghị gặp riêng bị can.
Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định về gặp người bị bắt
Điều 80, Bộ LTTHS 2015 về gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam:
- Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, thẻ luật sư hoặc thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
- Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)