Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về tội Giết người. Nạn nhân bị Huyên bạo hành là bé gái Đ.N.A. (3 tuổi) hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch.
Bị can Nguyễn Trung Huyên
Ngoài bị can Huyên, công an cũng đang tiếp tục làm rõ vai trò của N.T.L. (27 tuổi, mẹ của bé A. và là người tình của Huyên).
Về mặt pháp lý, theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi dùng búa đóng 9 cái đinh lên đầu đứa trẻ vô tội mới chỉ 3 tuổi của người tình mẹ cháu bé thật khó diễn tả vì sự phi nhân tính, vô đạo đức, hành vi đó chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất của pháp luật.
Trong quá trình điều tra, nếu xác minh được những dấu vết thương tổn trên cơ thể nạn nhân là do hành vi bạo hành gây ra thì đối tượng sẽ bị xử lý về tội Giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi, thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ... với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, theo thông tin ban đầu, cháu bé sống cùng mẹ và người tình của mẹ. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm của người mẹ trong vụ việc này. Trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ của cháu bé biết việc cháu bé bị bạo hành nhưng mặc kệ, không ngăn cản sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Giết người với vai trò đồng phạm giúp sức hoặc xúi giục.
Nếu không có căn cứ chứng minh mẹ cháu bé có biết về hành vi Giết người, Cố ý gây thương tích, hành hạ cháu bé của người tình nhưng không chứng minh được vai trò đồng phạm thì vẫn có thể xử lý người phụ nữ này về tội không tố giác tội phạm với mức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm tù, căn cứ Điều 390 Bộ luật hình sự.
Hình ảnh 9 chiếc đinh găm trong hộp sọ của bé gái
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng việc Công an TP Hà Nội khởi tố bị can theo Điều 123 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ. Thông tin điều tra bước đầu cho thấy Huyên đã dùng hung khí nguy hiểm là đinh ghim đóng vào đầu bé gái. Đây là vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân. Do đó, hành vi của bị can đủ yếu tố cấu thành tội Giết người. "Nạn nhân chưa tử vong nằm ngoài ý chí của kẻ thực hiện hành vi. Về mặt khoa học hình sự, hành vi của Nguyễn Trung Huyên đã hoàn thành" - luật sư nhìn nhận dưới góc độ pháp lý.
Ngoài ra, căn cứ các quy định của Điều 123 Bộ luật Hình sự, Huyên còn có thể bị xem xét nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội với trẻ em, hành vi có tính chất man rợ. Trong giai đoạn điều tra sau khi khởi tố bị can, trường hợp công an có căn cứ cho rằng bị can có dấu hiệu hoặc biểu hiện về tâm thần thì cơ quan chức năng sẽ đưa Huyên đi trưng cầu giám định để củng cố hồ sơ.
Đối với vai trò của người mẹ trong vụ án, luật sư nhấn mạnh cơ quan điều tra cũng sẽ xác minh, làm rõ sự liên quan của người phụ nữ này. Bởi lẽ, thông tin ban đầu cho thấy Huyên từng nhiều lần hành hạ A. kể từ khi ở cùng. Bị can có lần bị tình nghi mua 2 gói thuốc diệt cỏ rồi pha vào chai nước ngọt cho bé gái uống khiến nạn nhân bị ngộ độc phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. "Khả năng mẹ của nạn nhân có thể biết việc Huyên đã cho bé A. uống thuốc độc. Tuy nhiên, người mẹ có thể đã không trình báo sự việc này". Nếu đúng sự thật thì từ thời điểm đó Huyên đã có dấu hiệu Giết người.
Tuy nhiên, sự việc không được trình báo với cơ quan công an nên lực lượng chức năng không ngăn chặn được những lần bạo hành tiếp theo. Theo luật sư Tuấn Anh, trong quá trình xác minh, điều tra vai trò của người mẹ, trường hợp cơ quan công an có căn cứ xác định người mẹ có cùng ý chí, tạo điều kiện hay giúp sức về mặt tinh thần cho Huyên gây án thì mẹ của A. sẽ bị điều tra vai trò đồng phạm. Còn nếu người mẹ biết việc con gái bị hành hạ nhưng không tố giác hoặc không trình báo công an, thì người phụ nữ có thể bị xem xét hành vi Che giấu hoặc Không tố giác tội phạm.
"Đây không phải lần đầu tiên cháu bé bị bạo hành" - luật sư nhấn mạnh và kiến nghị cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ các dấu hiệu của chị L. trong vụ án.
Nhìn nhận vụ án, luật sư Trần Tuấn Anh bày tỏ việc Huyên bị điều tra hành vi đóng 9 chiếc đinh vào đầu bé gái là hậu quả của chuỗi hành vi. Nếu ngay từ đầu, người mẹ trình báo với cơ quan chức năng việc con gái bị bạo hành, thì có thể sẽ ngăn được sự việc thương tâm như lần này.
Ngoài ra, Luật sư Trần Xuân Tiền cũng cho hay những vụ việc bạo hành trẻ em đầy thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ly hôn nhiều của các cặp vợ chồng trẻ, để cái tôi lấn át khiến cho những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh phải sống với "cha dượng", "dì ghẻ". Đồng thời, một phần không nhỏ các bậc cha mẹ hiện nay đều chưa được rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiếu biện pháp tổ chức gia đình nên không sát sao, quan tâm đến con cái, khiến chúng phải chịu nhiều tổn thương về thể chất, tinh thần.
Vì vậy, trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, ông bà và người thân cần dành thời gian lưu tâm đến các cháu nhỏ, không đợi đến khi các cháu xảy ra chuyện rồi mới đổ lỗi cho người khác, cho chính quyền, hàng xóm… Bên cạnh đó, cần có quy đinh của pháp luật về việc nuôi con bằng cách thông báo tình hình sức khoẻ, học hành cho bố mẹ hay người nuôi dưỡng, nghiêm cấm việc hạn chế thăm nom nuôi dưỡng của người thân trong gia đình. Các tổ chức xã hội cũng cần vào cuộc để giám sát, theo dõi, giúp đỡ các em có điều kiện, hoàn cảnh éo le. Đồng thời, những vụ án bạo hành, xâm hại sức khoẻ, tính mạng trẻ em cần xử lý thật nghiêm, làm gương cho người khác, tạo sự răn đe của pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được sống và học tập, phát triển trong một môi trường lành mạnh và an toàn.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận (0)