Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp vừa tiến hành rút kinh nghiệm về việc giải quyết vụ án Lê Thị Hạnh (ngụ TP Hà Nội) dùng giấy tờ giả lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Trong vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp có quan điểm khác nhau về phần định tội danh.
Tách hay ghép tội?
Với âm mưu lừa đảo chiếm đoạt tiền, Hạnh nhiều lần thuê người làm giả giấy tờ. Cụ thể, Hạnh thuê Trịnh Bá Chính làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 biên bản xác định hiện trạng đất và tài sản gắn liền với đất, một giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, sau đó sử dụng những giấy tờ trên ký hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất, thu lợi hơn 1,3 tỉ đồng. Tiếp đó, Hạnh rao thông tin giả cần đáo hạn ngân hàng, muốn vay tiền anh N.Đ.S. Anh S. yêu cầu có bản cam kết giải ngân, khế ước nhận nợ từ ngân hàng, Hạnh lại tiếp tục thuê Chính làm giả 2 giấy tờ trên rồi Hạnh ký vào những tài liệu này. Anh S. đã tin tưởng, đồng ý cho Hạnh vay 3,4 tỉ đồng.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Hạnh 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 2 năm 5 tháng tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", 3 năm 3 tháng tù về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt Hạnh phải chịu là 25 năm 8 tháng tù. Là đồng phạm, Chính bị cáo buộc tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", lãnh 26 tháng tù.
Nguyễn Thị Hồng Giang và đồng phạm tại tòa sơ thẩm
Cho rằng bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy án. Theo Hội đồng giám đốc thẩm, Hạnh có hành vi thuê Chính làm giả 2 lần, với tổng cộng 13 con dấu; đồng thời, Hạnh ký tên trên giấy tờ giả. Như vậy, Hạnh thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội và tất cả hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau, hành vi trước là điều kiện thực hiện hành vi sau; hành vi sau là hậu quả tất yếu của hành vi trước. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về 2 tội: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", là tội danh ghép quy định trong cùng một điều luật (điều 341 Bộ Luật Hình sự).
Những hành vi trên đều xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước cũng như tổ chức trong lĩnh vực quản lý về con dấu, tài liệu. Nếu bị cáo chỉ thực hiện một hành vi trong cùng điều luật hoặc thực hiện một chuỗi hành vi: làm giả giấy tờ tài liệu và sử dụng chính giấy tờ tài liệu giả vào mục đích trái luật thì bị cáo phải chịu một tội với tên tội danh đầy đủ và một hình phạt quy định tại điều 341. TAND Tối cao đã có văn bản giải đáp thắc mắc vụ án có tính chất tương đồng. Dù vậy, cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn sơ thẩm đã điều tra, truy tố, xét xử chuỗi hành vi phạm tội thành 2 tội độc lập. Tòa sơ thẩm tuyên 2 hình phạt với 2 tội danh dẫn đến hậu quả tổng hợp hình phạt không chính xác, không đúng nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội danh ghép.
Xử nặng với hành vi thuê người làm giả giấy tờ
Trong khi đó, tại TP HCM, những bị cáo có hành vi thuê người làm giả giấy tờ chắc chắn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", cùng tội danh với người được thuê.
Điển hình như vụ TAND TP HCM phạt bị cáo Nguyễn Thị Hồng Giang 20 năm tù về 2 tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn (SN 1971) lãnh 16 năm tù. Tòa sơ thẩm cáo buộc Giang có hành vi thuê Sơn cùng một số đối tượng (chưa rõ lai lịch) làm giả nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Sau khi có giấy tờ giả, Sơn cùng các đối tượng khác tiếp tục làm "cò" khi giới thiệu Giang gặp 16 người hỏi vay tiền, cầm cố giấy tờ giả. Chỉ hơn 1 năm, Giang thế chấp 12 giấy tờ nhà, đất giả và vay tiền rồi chiếm đoạt hơn 6,4 tỉ đồng. Trong vụ án này, HĐXX sơ thẩm nhận định hành vi như trên không chỉ xâm phạm đến tài sản hợp pháp của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Tương tự tội danh giống Giang, bị cáo Nguyễn Hoàng Long (ngụ quận 9, TP HCM) lãnh 14 năm tù vì thuê người làm giả hợp đồng mua bán căn hộ giữa Long với chủ đầu tư căn hộ và một số giấy tờ liên quan rồi đem giấy tờ giả đi cầm cố vay tiền. Lấy lý do không đủ khả năng trả nợ, Long nhượng lại người cho vay căn hộ trên giấy tờ giả. TAND TP HCM từng trả hồ sơ vụ án, yêu cầu làm rõ quy trình công chứng, vai trò công chứng viên trong quá trình hai bên làm thủ tục mua bán căn hộ bằng hồ sơ giả.
Đã có văn bản hướng dẫn
Về định tội danh trong những trường hợp này, tháng 10-2019, TAND Tối cao có ban hành văn bản hướng dẫn. TAND Tối cao dẫn chứng vụ án Nguyễn Văn A. làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mang đi lừa bán đất, trục lợi hàng tỉ đồng. Đối với việc làm A. gây ra, cơ quan xét xử có thể truy cứu 2 tội danh, gồm: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bình luận (0)