Những ngày qua, dư luận bất bình, đau xót trước thông tin một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử có nguyên nhân do bạo lực học đường.
Thiếu sự quan tâm vấn đề tâm lý học sinh
Trước đó, ngày 4-4, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Huế), trong khi lời qua tiếng lại trong giờ ra chơi, một nam sinh đã bị bạn cùng lớp xô ngã đầu đập vào bàn học dẫn đến tử vong sau đó.
Chiều 2-4, một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội bị nhóm học sinh của một trường cao đẳng đánh hội đồng đến mức phải nhập viện điều trị.
Đáng nói là danh sách các vụ việc bạo lực học đường ngày một dài, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Phân tích nguyên nhân, tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP HCM, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM - nói hiện rất ít người quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Nhà trường và phụ huynh chỉ quan tâm kết quả học tập, nhắc nhở về điểm số…, không quan tâm vấn đề tâm lý. Điều này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ. Bệnh trầm cảm đã ở mức báo động đỏ" - bà Thúy nhấn mạnh.
Nhìn thẳng vào thực trạng, bà Thúy cho rằng đa số trường công lập, sức ép cho thầy và trò khá lớn, số giáo viên quan tâm đến đời sống tâm lý của học sinh cũng rất ít, học sinh trở nên cô đơn, lạc lõng trong trường học. Trong khi đó, do còn nhỏ, các em dễ bị stress, đôi khi chỉ là yêu đương không thành, với người trưởng thành là chuyện nhỏ nhưng với trẻ là chuyện lớn.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cũng nhìn nhận thực tế hiện nhiều học sinh mỗi ngày đến trường nhưng không vui do áp lực học hành, áp lực từ nhà trường, giáo viên và cả cách hành xử của bạn bè với nhau. Một số học sinh đã bị trầm cảm.
Còn theo luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn), có lúc, có nơi, nhà trường "lãng quên" việc giáo dục con người. "Tôi cho rằng nhà trường và gia đình cần nhận thức, đánh giá được rủi ro bạo lực học đường, từ đó giáo dục cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu thấy trẻ có vấn đề tâm lý, có thể tạm cho nghỉ học và đưa điều trị tại các phòng khám tâm lý, bệnh viện" - luật sư Trương Văn Tuấn nói.
Họp báo vụ nữ sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tửẢnh: Đức Ngọc
Cần trung tâm tư vấn tâm lý học đường chuyên nghiệp
Bàn về giải pháp, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng nhà trường phải thành lập trung tâm tư vấn học đường chuyên nghiệp, không thể thờ ơ như hiện nay, khi giáo viên tư vấn làm kiêm nhiệm, không tạo sự tin tưởng để học sinh bộc bạch, tin cậy. Lãnh đạo nhà trường cũng phải thường xuyên đối thoại với học sinh. Đưa môn kỹ năng vào chính khóa chứ không phải ngoại khóa, không phải ai thích thì đăng ký, có như vậy mới giải phóng tâm lý cho học sinh được.
Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhận định học sinh ngày nay dễ rơi vào trạng thái stress, có cảm giác sợ đi học. Cần đưa vào giảng dạy các môn tâm lý tại trường học; có những buổi dạy kỹ năng sống; các hoạt động tập thể, hướng thiện để định hướng nhân cách con người. Trường hợp tiếp nhận thông tin có dấu hiệu bạo lực học đường, nhà trường cần phối hợp với gia đình xác minh ngay để có kế hoạch bảo vệ, phòng tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Về phía gia đình, cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu những cảm xúc, sự việc mà con đang gặp phải; thường xuyên kết nối với giáo viên, nhà trường để được tư vấn và hỗ trợ khi có vấn đề xảy ra.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, chia sẻ: "Để giáo dục ý thức học sinh, chúng tôi đã tham gia rất nhiều buổi tư vấn, đưa những phiên tòa giả định đến các trường học. Phải giáo dục thường xuyên để các em hiểu, một ngày không được thì nhiều ngày, mưa dầm thấm lâu. Bên cạnh đó, thầy cô, nhà trường cần phối hợp với gia đình những học sinh cá biệt để quan tâm các em hơn, tránh những câu chuyện buồn xảy ra" - luật sư Ngọc Nữ nói.
Dưới góc nhìn pháp luật, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho rằng cần sửa đổi và mạnh dạn tăng nặng hình thức kỷ luật cũng như xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan như giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng và phụ huynh.
Bệnh trầm cảm đã ở mức báo động đỏ
Theo nghiên cứu của ThS Giang Thiên Vũ (Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TP HCM) cùng các cộng sự, khảo sát sàng lọc hơn 8.000 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP HCM, có 1.117 học sinh cho biết stress vừa, nặng hoặc rất nặng; 1.952 em trong trạng thái lo âu và 1.177 em có biểu hiện trầm cảm. Nguyên nhân của tình trạng trên do học sinh luôn gặp áp lực về bài vở, ôn tập, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập; áp lực từ gia đình; những tổn thương, sang chấn có tính hệ thống; bạn bè đồng trang lứa và sự so sánh khập khiễng của thầy cô, cha mẹ. Ngoài ra, nguyên nhân còn do các em không có thời gian rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, không tham gia sinh hoạt ngoại khóa; chưa được quan tâm và chăm sóc đời sống tinh thần...
Bình luận (0)