Nhiều người vì muốn có gấp nên đã móc tiền cho “cò” mà vẫn tin rằng mình gặp may, còn có người xót của lại cho rằng cán bộ đã tiếp tay cho “cò” móc túi người dân. Thực chất chúng chỉ đón đầu thông tin rồi rỉ tai, lừa đảo những người nhẹ dạ...
Điểm mặt các dạng "cò"
Trong vai một người đi làm hộ chiếu để chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài, vừa đến đoạn đường phía trước cổng Phòng an ninh xuất nhập cảnh, hàng chục “cò” hộ chiếu đã vây chặt lấy tôi. Khi biết tôi muốn làm hộ chiếu gấp để kịp chuyến đi sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, “cò” Vi, một thanh niên trạc 35 tuổi nhanh miệng: “Anh có hộ khẩu hay KT3 thành phố không? Đưa đây tôi làm cho, chỉ cần 2 ngày là có”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, “cò” Vi tiếp lời: “Anh trai tôi làm sếp trong đó mà”(?) rồi ra giá thẳng: “Nếu hộ khẩu anh ở tỉnh thì phải mất thêm 500.000 đồng làm KT3 (tạm trú dài hạn), còn dịch vụ làm nhanh trong 2 ngày là 100USD”.
Kéo tay tôi vào ngồi ở mấy bộ bàn ghế đặt trong khuôn viên Trung tâm văn hóa Trống Đồng (đối diện Phòng an ninh XNC), Vi gọi mấy ly cà phê rồi bắt đầu huyên thuyên kể ra bao nhiêu thủ tục rườm rà mà tôi gặp phải nếu không làm theo đường “dịch vụ”. Tôi ngần ngừ về số tiền “phí” trong 2 ngày quá lớn, Vi cười: “Anh muốn làm nhanh cho kịp đi thì phải chịu mức phí cao... Thôi thì bớt cho anh còn 85USD, tính ra tiền Việt cộng cả tiền làm KT3 là tầm 2 triệu đồng”.
9 giờ sáng, quán cà phê cóc đặt trong khuôn viên Trống Đồng tấp nập khách. Nhìn qua cũng có thể nhận biết ngồi đây chủ yếu là “cò”. “Cò” hộ chiếu ở đây cũng đủ dạng, trai, gái, trẻ, già đều có, “cò” từ khâu vào mua hồ sơ, khai hộ... cho đến trọn gói.
Từ bàn bên cạnh, “cò” K. (khoảng 40 tuổi) khuôn mặt gầy tọp, cầm ĐTDĐ nói oang oang ra vẻ ta đây quan hệ thân thiết với một cán bộ trong phòng: “Em có 2 người đi Sing, còn mấy ngày nữa, anh lo gấp nhé... Ừ, ừ!”. Nhét điện thoại vào lại trong túi quần, K. quay sang nói với người đàn ông ngồi đối diện: “Anh thấy em có uy tín không, anh chàng hồi nãy cũng nhờ em làm nên mới xong sớm đấy, đúng hẹn không sai chút nào”.
Sau một hồi thuyết phục, người đàn ông ngồi cùng K. có vẻ xuôi lòng, ông móc túi đưa ngay cho K. 1 triệu đồng, cầm tờ CMND “cò” đưa cho để làm tin rồi lôi giấy tờ ra cho K. hý hoáy ghi. Cạnh đó, mấy người phụ nữ kê chiếc ghế nhựa làm bàn ngồi làm việc với “đối tác”.
Cảnh người dân lôi giấy tờ ra đọc hộ khẩu, số CMND cho “cò” ghi hệt như đang làm việc với cán bộ phòng. Một phụ nữ ở đây cho biết, họ chỉ vào lấy hộ hồ sơ rồi ra ngồi khai giúp người dân lấy công, trừ tiền chi phí ra mỗi bộ được 15.000 đồng mua gạo. Nói thế nhưng trên tay chị ta cầm một xấp tiền khá dày, toàn polymer loại 50.000 - 100.000 đồng.
Khoảng 1 giờ ngồi tại quán cà phê này chúng tôi đã chứng kiến gần 10 cuộc “giao dịch”, cảnh trao tiền, chia tiền diễn ra liên tục, trong đó có “hợp đồng giao dịch” cao nhất với khoản “tiền công” lên đến 11 triệu đồng. “Cò” Hiệp (SN1973, quê Vĩnh Long) còn viện dẫn rằng làm “dịch vụ” này là của công ty, Hiệp chỉ là người làm công ăn lương?!
Làm sao để nhận biết?
Thực chất những mánh khóe mà “cò” hộ chiếu kiếm chác ở đây chỉ là những chiêu lừa đã cũ xưa. Trao đổi về hoạt động của bọn “cò” hộ chiếu, thượng tá Nguyễn Văn Anh - Trưởng phòng an ninh xuất nhập cảnh CATP - cho biết: Thực trạng này không chỉ làm khổ người dân đến làm hộ chiếu mà ngay cả cán bộ phòng cũng hết sức bức xúc. Thực chất chúng là bọn lừa đảo núp dưới tên gọi là “cò”. Chúng nắm rất chắc mọi thủ tục, còn người dân không chịu nghe hướng dẫn nên dễ bị chúng lừa. Để dẹp bỏ tình trạng này, trước đây ban chỉ huy phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn, tuy nhiên thời gian gần đây chúng lại tiếp tục xuất hiện.
Chúng thường ngồi vạ vật trong các quán cà phê gần phòng hoặc trà trộn vào đám đông người dân vào làm thủ tục, tự xưng là người có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều với cán bộ phòng và có thể “can thiệp” để giải quyết nhanh trong việc làm hộ chiếu cũng như các thủ tục pháp lý khác.
Một số người dân do nhẹ dạ cả tin, lại mang tâm lý sợ khó, ngại vào tiếp xúc với cơ quan hành chính nên dễ mắc bẫy lừa của bọn chúng. Khi thấy “con mồi” đã bắt đầu xiêu lòng, chúng thường kéo ra các quán cà phê ở gần đó ngồi hỏi han công việc, ngã giá... Sau khi nắm được thông tin người dân muốn làm thủ tục gì, chúng móc điện thoại di động ra giả vờ gọi cho một người có chức trách trong phòng để trình bày lại “hoàn cảnh” và mong được giúp đỡ giải quyết sớm. Thậm chí chúng còn đưa cả điện thoại để người dân nói chuyện, trình bày với “cán bộ” cho tiện liên hệ và người “cán bộ” ở đầu dây bên kia sẵn sàng đồng ý.
Khi “cá đã cắn câu”, “cò” ra giá thẳng rồi đòi nhận tiền cọc ngay (thường mỗi hộ chiếu là 2 triệu đồng “tiền công”, tùy làm nhanh hay chậm mà có thể thêm, bớt). Để tạo thêm lòng tin, chúng móc CMND ra cho người cần làm hộ chiếu giữ, hẹn ngày đến nhận kết quả là đưa nốt số tiền còn lại rồi trả CMND cho “cò”.
Thực tế, người “cán bộ” mà chúng gọi chỉ là một ai đó trong nhóm “cò” nên khi đưa điện thoại cho người dân nói chuyện, người “cán bộ” ở đầu dây bên kia sẽ dùng lời lẽ hết sức ngon ngọt để dụ. Thế nên người nào đã trót đi theo chân “cò” là càng dễ mắc bẫy lừa của chúng.
Một dấu hiệu mà người dân rất dễ nhận biết là bọn lừa đảo chỉ giả vờ điện thoại rồi ngồi hướng dẫn thủ tục đi lại cho người dân, còn mọi công việc người dân phải trực tiếp vào phòng, làm việc trực tiếp với cán bộ. Từ việc nộp hồ sơ, đóng lệ phí cho đến nhận kết quả (nhận hộ chiếu), người dân đều phải trực tiếp đi chứ không ai có thể nhận hay làm thay được.
Thượng tá Văn Anh cho biết thêm: Sở dĩ những người nghe theo lời “cò” và nhận được hộ chiếu đúng hẹn là do thời gian qua chính trong cơ quan đã có những cải cách hành chính để góp phần giải quyết hồ sơ của nhân dân một cách thuận tiện và nhanh gọn. Quy định của phòng là phải giải quyết hồ sơ trong vòng 8 ngày. Những trường hợp đặc biệt cần giải quyết nhanh thì người dân trực tiếp trình bày lý do với cán bộ thụ lý hồ sơ và sẽ được giải quyết nhanh. Lợi dụng sự cải cách này, “cò” đã đón đầu thông tin rồi lừa người dân để kiếm tiền. Cũng chính điều này mà nhiều người nghĩ rằng “cò” đã can thiệp nên hồ sơ của mình mới được giải quyết nhanh đồng thời đổ lỗi luôn cho cán bộ phòng là tiếp tay cho “cò”.
Thời gian vừa qua, Phòng an ninh XNC CATP đã có nhiều cải cách giúp người dân giải quyết nhanh hồ sơ. Phòng còn có cả cán bộ làm công tác hướng dẫn và khai giúp hồ sơ miễn phí cho những người bị khuyết tật hoặc không biết chữ. Cụ thể trong năm 2008 đã tư vấn cho 28.758 trường hợp, khai giúp hồ sơ cho 307 người.
Người dân đến làm hộ chiếu cần nghe và đọc kỹ hướng dẫn niêm yết ở phòng, không nên nghe theo lời dụ dỗ của những đối tượng lừa đảo núp dưới danh “cò”. Những thông tin này cũng có thể tham khảo tại website Báo Công an TPHCM “http://www.congan.com.vn”, chuyên mục hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh.
Hướng dẫn thủ tục cấp đổi hộ chiếu, thượng tá Nguyễn Văn Anh cho biết, đơn giản chỉ cần qua 4 bước như sau:
bước 1: vào lấy mẫu hồ sơ và điền vào các thông tin cần thiết (trường hợp người bị khuyết tật hoặc không biết chữ thì có người khai giúp và tư vấn miễn phí).
Bước 2: với những người đã có sẵn hồ sơ hoặc đã khai xong hồ sơ thì vào lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt gọi theo quy trình cấp số tự động.
Bước 3: cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra, phỏng vấn, nếu hồ sơ đã đầy đủ thủ tục thì cấp biên nhận (trong biên nhận ghi rõ ngày trả kết quả, không quá 8 ngày). Trường hợp người làm hộ chiếu cần lấy sớm thì trình bày trực tiếp với cán bộ tiếp nhận và sẽ được giải quyết. Lệ phí đóng là 200.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính.
Bước 4: đúng hẹn theo biên nhận, người làm hộ chiếu trực tiếp đến nhận hộ chiếu của mình.
Người dân cũng có thể lấy mẫu, tự khai hồ sơ và đọc các thông tin hướng dẫn qua website Báo Công an TPHCM “http://www.congan.com.vn”, chuyên mục hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh. |
Bình luận (0)