Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (viết tắt Công ty Thiên Ân Phát) do một lô đất có tên khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) được bán cho nhiều người.
Hàng loạt dự án vào "tầm ngắm"
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long liên quan đến hàng loạt dự án bất động sản tại TP HCM; khởi tố ông Đặng Tiến Tường, Giám đốc Công ty CP Kim Home Land…
Còn tại quận 9, từ thực tế trong 2 năm xảy ra nhiều dự án phân lô, bán nền nằm trên giấy như đường Bưng Ông Thoàn (4 dự án), đường Nguyễn Xiển (3 dự án), đường Nguyễn Thị Tư (2 dự án)…; UBND quận đã có động thái mạnh tay ngăn chặn dự án "ma" bằng cách phối hợp thông tin và chuyển hàng loạt đơn tố cáo của người dân đến công an xử lý. Ngoài Công ty CP Bất động sản Phát An Gia (quận 9) rơi vào "tầm ngắm", có thêm 3 công ty lén lút phân lô bán nền và "vẽ" dự án trên giấy cũng đang bị Phòng Quản lý đô thị quận 9 tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan công an.
Dự án “ma” của Công ty Thiên Ân Phát ở đường Bưng Ông Thoàn, quận 9, TP HCM
Tương tự, UBND quận Bình Tân cũng vừa hoàn tất chuyển thông tin đến cơ quan Công an TP HCM về một số công ty từng rao bán các khu đất không có thật để thu tiền khách hàng, bị người dân nhiều lần làm đơn tố cáo. Đây là những công ty hoạt động quy mô nhỏ, vừa thành lập, như Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Bất động sản Anh Kiệt…
Địa phương siết chặt quản lý
Bàn về giải pháp ngăn chặn mua bán dự án "ma", ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng quan trọng nhất là địa phương phải siết chặt quản lý, chỉ cần thấy đối tượng đóng cọc, căng dây hoặc đổ đất phải ngăn chặn, xử lý ngay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại quy định tách thửa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không tạo điều kiện cho đối tượng môi giới, "cò" đất trục lợi.
Ở góc độ địa phương, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn chia sẻ huyện đã đưa ra giải pháp ngăn dự án phân lô trái phép bằng cách thành lập các lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên ở các khu đất nghi đang được đầu nậu lén lút đổ đất, làm đường nhằm lừa khách hàng. Ngoài ra, giao nhiệm vụ cho UBND cấp xã theo dõi trang giao dịch bất động sản trên mạng internet nhằm ngăn chặn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Duy Tân - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - cho biết một số khu đất phát hiện bị đầu nậu phân lô trái phép, lực lượng chức năng đã lắp đặt camera giám sát kèm theo biển báo. Hễ thấy nhóm người lạ và khách đến là cử lực lượng xuống nắm bắt thông tin và ngăn chặn từ lúc manh nha.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Duy (Đoàn Luật sư TP HCM), hầu hết các khách hàng sau khi bị các công ty bất động sản lừa đảo đều rơi vào tình cảnh mất toàn bộ tiền do các đối tượng này thừa nhận không đủ tiền khắc phục. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án. "Những công ty làm ăn tốt thường chứng minh bằng pháp lý còn những công ty mập mờ bằng lời hứa hẹn thời gian" - luật sư Duy cảnh báo.
Thủ đoạn lừa đảo
Năm 2018, bà Nguyễn Thanh Thúy (37 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) tìm hiểu mua đất nền và bất ngờ nhận được lời mời từ các đối tượng môi giới mua lô đất C14 diện tích 100 m2, nằm trong dự án có tên Nguyễn Xiển 3 - Happy Riverside (quận 9) với giá trung bình 24 triệu đồng/m2.
"Đánh vào tâm lý mua đất nền mà rẻ hơn mua căn hộ, nhân viên môi giới Công ty Thiên Ân Phát liên tục thúc giục chúng tôi. Đáng nói, mua đất nhưng không phải hợp đồng mua bán mà là hợp đồng hợp tác, chúng tôi là người góp vốn để hình thành dự án" - bà Thúy kể.
Bà Thúy đặt cọc 1 tỉ đồng và ký kết trực tiếp với giám đốc Công ty Thiên Ân Phát, chờ 18 tháng sau nhận đất, cất nhà. Bà Thúy nói: "Lúc đó, nhân viên kinh doanh chở chúng tôi đi xem vị trí đất liên tục, nói đường đang hoàn thiện với trụ điện, hệ thống PCCC... Thấy mọi hoạt động gấp rút, tôi lo không đặt cọc thì mất đất giá rẻ".
Đến hẹn, không thấy bàn giao đất, bà Thúy đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9 tìm hiểu mới biết không có tên dự án, khu đất chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích. Sau này, tập hợp các khách hàng bị lừa đảo mới biết 1 lô đất được bán cho nhiều người.
Bình luận (0)