Phường Bình Hòa giáp ranh với TP HCM, từng được xem là “thiên đường” của dân trộm xe. Tuy nhiên mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo công an phường vui mừng cho biết: “Trước đây, xe của người dân ở phường bị trộm liên tục, có tháng xảy ra đến 32 vụ. Từ khi camera được gắn ở các tuyến đường, nạn trộm cắp giảm hẳn, có tháng không người dân nào bị mất xe”.
Đa số bắt “nguội”
Trên địa bàn có 2 KCN nên phường Bình Hòa thu hút nhiều người từ nơi khác về làm công nhân. Trước đây, các đạo chích liên tục gây án, gần như ngày nào cũng có 1-2 công nhân lên công an phường trình báo bị mất xe. Còn hiện nay, theo thượng úy Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Bình Hòa, hàng loạt đối tượng trộm cắp xe máy đã bị bắt giữ từ khi phường vận động người dân góp tiền gắn camera ở những tuyến đường phức tạp trong các khu phố. Hiện phường này có 27 “mắt thần”, tất cả hình ảnh, dữ liệu được truyền về máy chủ đặt ở phòng của trực ban công an phường. Dẫn chứng cho lời nói của mình, thượng úy Tuấn nhắc đến Nguyễn Minh Tâm (24 tuổi, quê Nghệ An), một tay chuyên tiêu thụ xe gian ở vùng giáp ranh. “Chúng tôi đưa Tâm vào danh sách quản lý nhưng chưa có bằng chứng để bắt. Một hôm, chúng tôi quan sát màn hình đấu nối với camera thì thấy Tâm chạy chiếc xe máy (nghi là tài sản trộm cắp) đến một quán cà phê nên mời đối tượng này về trụ sở. Qua đấu tranh, Tâm thừa nhận chiếc xe máy trên do đồng bọn Nguyễn Đình Hưng (24 tuổi, quê Nghệ An) vừa trộm được”. Ngay sau đó, Hưng bị Công an phường Bình Hòa bắt giữ.
Đối tượng trộm xe máy của người dân và sau đó đã bị công an bắt giữ. (Ảnh trích xuất từ camera)
“Mắt thần” soi nhiều giao lộ trong phường nên kẻ trộm di chuyển hướng nào cũng bị lưu lại hình ảnh. “Có đối tượng trộm xong, thoát được rồi nhưng bị camera ghi hình. Chúng tôi giữ hình ảnh đó và tiến hành dò tìm đối tượng. Một tháng sau, đối tượng quay lại địa bàn thì bị bắt. Hầu hết các đạo chích bị chúng tôi bắt “nguội” như thế” - thượng úy Tuấn chia sẻ.
Trong trường hợp người bị hại báo công an kịp thời, nhờ “mắt thần” soi rọi, lực lượng công an có thể vây bắt đối tượng ngay tức khắc. Điển hình, đầu tháng 10-2015, anh Lê Văn Long (26 tuổi, quê Đắk Lắk) dựng xe máy trước một ki-ốt tại phường Bình Hòa thì bị trộm. Anh Long lập tức trình báo công an và mô tả về chiếc xe bị mất. Qua kiểm tra từ hệ thống camera, công an phát hiện kẻ gian chưa kịp thoát khỏi phường nên tức tốc bố ráp và tóm gọn tên đạo chích là Đặng Văn Phúc (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng đồng bọn. Xe anh Long được thu hồi, trả về khổ chủ. Từ lời khai của 2 đối tượng bị bắt, công an xác định đây là băng nhóm trộm xe chuyên nghiệp, từng gây ra nhiều vụ ở quận Thủ Đức, TP HCM. Mở rộng điều tra, công an bắt tiếp 2 đối tượng khác trong băng nhóm này.
Người dân chung sức
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, cho biết phường lấy khu phố Bình Đáng để làm thí điểm vì nơi đây có nhiều tội phạm hoạt động. “Ban đầu, chúng tôi tập trung vận động các công ty, xí nghiệp và những hộ kinh doanh lớn góp tiền mua camera. Rất vui là chỉ trong một tuần, chúng tôi đã vận động được 45 triệu đồng để lắp 7 camera trong khu phố. Sau đó, công an phát hiện, xử lý được nhiều vụ trộm nên người dân rất phấn khởi. Từ đó, chúng tôi mới tiếp tục vận động dân, nhân rộng việc gắn camera toàn phường” - ông Nghĩa nói.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bình Dương (Ban Chỉ đạo 138), chia sẻ: “Vừa rồi, tại hội nghị tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chúng tôi thấy mô hình gắn camera bằng nguồn kinh phí xã hội hóa ở phường Bình Hòa là rất hay! Camera gắn tại những tuyến đường phức tạp đã giúp công an theo dõi các phần tử bất minh, thu thập dữ liệu để quản lý địa bàn tốt hơn. Chúng tôi đã giao công an tỉnh khảo sát, nghiên cứu những điểm phức tạp để triển khai cách làm này”. Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý việc dân góp kinh phí ở mức nào là hoàn toàn tự nguyện, chính quyền không được ép buộc.
Phải trông coi, bảo trì
Tại phường Bình Hòa, mỗi camera đều có người trông coi, quản lý, đề phòng kẻ xấu phá hủy trước khi trộm cắp, gây án. Thực tế, qua 2 năm sử dụng, một vài “mắt thần” ở phường hoạt động chập chờn do đường truyền không ổn định hoặc thiếu kinh phí bảo trì, bảo dưỡng.
Về vấn đề này, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo 138, cho biết các phường, xã có thể sử dụng nguồn kinh phí hợp lý từ quỹ an ninh quốc phòng của địa phương để duy tu, bảo trì “mắt thần”. “Khi người dân đã góp tiền mua camera thì lực lượng chức năng địa phương phải quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí” - ông Hưng nhấn mạnh.
Bình luận (0)