xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mất tiền tỉ sau cuộc gọi hù dọa

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam đã thực hiện 18 vụ lừa đảo chiếm đoạt 10,7 tỉ đồng

Ngày 18-11, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo gồm: Pan Chu Lin (SN 1997), Chiu Po Sung (SN 1997), Hou Po Ta (SN 1993, cùng quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Nguyễn Doãn Toàn (SN 1996, quê Hà Tĩnh), Bùi Quang Hải (SN 1995, quê Hà Tĩnh) cùng 3 đồng phạm. Đây là một trong số ít các vụ án giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát mà các đối tượng lừa đảo sa lưới và bị đưa ra xét xử.

Giả danh công an, viện kiểm sát

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, đầu năm 2018, nhóm tội phạm do Hồng Trà và Tiểu Lâm (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc, hiện chưa xác định được lai lịch) cầm đầu đã cấu kết với Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta và nhiều đối tượng người Đài Loan, Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo.

Cụ thể, các bị cáo đã giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho các bị hại rồi tung thông tin họ liên quan đến tội phạm, đe dọa để bị hại chuyển tiền vào tài khoản của nhóm này. Bằng thủ đoạn tinh vi, có dự mưu, tính toán chặt chẽ, nhóm Pan Chu Lin đã thực hiện 18 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10,7 tỉ đồng.

Trong số 18 vụ mà các bị cáo lừa đảo, phần đông bị hại là phụ nữ và những người lớn tuổi, có bị hại công tác ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường ĐH. Điển hình, bà C.T.B.N (SN 1952, ngụ quận 7, TP HCM) nhận được cuộc gọi vào trưa 19-1-2018 của đối tượng xưng là Công an TP HCM thông báo bà nợ Vietcombank 16,8 triệu đồng. Bất ngờ hơn nữa, "vị cán bộ" khẳng định bà liên quan đến vụ lừa đảo trên hệ thống ngân hàng và tiền trong tài khoản bà là tiền của ngân hàng. Nhóm này yêu cầu bà N. ra Hà Nội làm việc với cơ quan điều tra và chuyển tiền vào tài khoản để xác minh. Tin là thật, bà N. ra ngân hàng chuyển 1,4 tỉ đồng vào tài khoản chỉ định.

Mất tiền tỉ sau cuộc gọi hù dọa - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa ngày 18-11

Sau khi lừa thành công bà N., nhóm này tiếp tục gọi vào số điện thoại bàn của gia đình ông H.C.C (SN 1969, ngụ quận 5, TP HCM), thông báo ông C. có 1 bưu phẩm gồm 1 quyển sách và 23 thẻ ATM liên quan đến tội phạm nên cần phải cung cấp nhân thân, tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Để minh oan cho mình, ông C. đã đi rút hơn 2,2 tỉ đồng theo yêu cầu rồi mở 3 tài khoản ngân hàng, dùng các số điện thoại do nhóm này cung cấp để đăng ký Internet banking. Sau khi ông C. chuyển tiền, ngay lập tức nhóm này chuyển vào tài khoản của Bùi Quang Hải 850 triệu đồng.

Cá biệt, bà P.V.A (SN 1980, ngụ TP Hà Nội) công tác tại một viện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng vẫn bị "sập bẫy". Bà A. được các đối tượng thông báo liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản là tiền phi pháp; đồng thời gửi cho bà A. một lệnh bắt khẩn cấp của tòa án qua Zalo. Lo sợ, bà A. đã chuyển tổng cộng 340 triệu đồng.

Đắng cay

Trong số 18 bị hại thì chỉ có 3 bị hại đến tòa theo thư triệu tập của tòa án. Khi chúng tôi hỏi thăm về việc bị các đối tượng đe dọa như thế nào, người phụ nữ lớn tuổi trào nước mắt nói: "Đau đớn lắm con ơi, sống cả đời người dành dụm chắt chiu từng đồng từng cắc, chỉ trong vài phút thiếu cảnh giác mà mất sạch". Khi chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa nghỉ giải lao, người phụ nữ này lặng lẽ ôm xấp hồ sơ rời khỏi phòng xử vì không thể ngồi được lâu do chứng bệnh gai cột sống hành hạ.

Với ánh mắt u buồn vì tài sản tiêu tan và nợ nần chồng chất sau khi bị lừa đảo, bà N.T.T (SN 1963, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chia sẻ: "Hồi mới bị lừa mất 550 triệu đồng, tôi chới với, đau đớn và luôn dằn vặt bản thân. Được người thân và bạn bè động viên, an ủi, tôi đã bình tâm lại".

Bên hành lang phòng xử, bà T. kể bà bán dãy phòng trọ được gần 1 tỉ đồng, bà đem ra ngân hàng gửi sổ tiết kiệm để lấy tiền lời nuôi 2 con ăn học. Nào ngờ, gửi chưa tròn tháng thì bà nhận được điện thoại nói bà cầm đầu đường dây tội phạm, "đàn em" bị bắt nên khai ra. Để chứng minh mình bị oan, bà đã chuyển 550 triệu đồng cho nhóm lừa đảo. "Chồng chết mười mấy năm, một mình nuôi 2 con, giờ tài sản dành dụm đội nón ra đi, còn ôm thêm một số nợ do mượn của người thân trang trải cuộc sống. Tôi định bán căn nhà đang ở, ra ngoại thành mua căn nhà nhỏ hơn, may ra trả được nợ và có tiền nuôi con đến khi tốt nghiệp ĐH" - bà T. nói.

Trong suốt phiên xử, các bị cáo liên tục đổ lỗi cho nhau, ai cũng nói mình bị lừa, bị dẫn dắt. Tuy nhiên, thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Bình, chủ tọa phiên tòa, thông báo: "Theo luật pháp Việt Nam, các đối tượng cầm đầu đã bỏ trốn thì các bị cáo trong vụ án phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt".

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.

Khó thu hồi tài sản

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo vô cùng lớn cùng những thủ đoạn hết sức tinh vi và dùng kỹ thuật, công nghệ cao để gian dối, chiếm đoạt.

Nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, VKSND, thanh tra, tòa án, bưu điện, ngân hàng... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỉ lệ hơn 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật Lưu Vũ), việc phát hiện, khởi tố và xét xử các đối tượng lừa đảo bằng hình thức trên rất khó khăn. Vì vậy, việc bắt giữ và xét xử những đối tượng lừa đảo là thành công của các cơ quan tố tụng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Tuy nhiên, những người bị bắt phần lớn làm thuê, đối tượng chủ chốt đã kịp bỏ trốn, đem theo toàn bộ số tiền chiếm đoạt được nên việc truy thu và bồi thường cho các bị hại lại là một câu chuyện đau lòng khác.

"Người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan công an để tránh trở thành nạn nhân. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo