Nguyễn Thị Trinh giả mạo là nhân viên ngân hàng gọi điện cho chị H. yêu cầu chuyển tiền
Cả tin
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Phòng PC45, Công an tỉnh Hải Dương) liên tục nhận được trình báo của một số người bị lừa tiền qua mạng xã hội Facebook. Số tiền mà các nạn nhân bị lừa lên tới hàng trăm triệu đồng và rất khó có thể lấy lại được.
Vì thấy mối "làm ăn" siêu lợi nhuận, chị Trần Thị Đ. (sinh năm 1982, trú tại TP Hải Dương) đã bị chiếm đoạt 65 triệu đồng tiền mua thẻ cào điện thoại. Chị T. (sinh năm 1987, quê ở Bình Giang) vốn học nghề làm móng của chị Đ. Sau đó chị T. đã đi lao động tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Làm việc tại đây, chị T. và chị Đ. vẫn thường xuyên trò chuyện với nhau qua Facebook.
Đến ngày 27-4, tài khoản Facebook của chị T. đã nhắn tin cho chị Đ. rằng tại chỗ chị làm có người cần mua thẻ điện thoại ở Việt Nam với giá gấp 3 lần mệnh giá thẻ và rủ chị Đ. làm ăn chung, sẽ được chia 70% lợi nhuận. Tưởng người nhắn tin là chị T., từ ngày 27 đến 29.4, chị Đ. đã mua 16 thẻ cào các mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng với tổng trị giá 65 triệu đồng.
Sau 2 ngày "đầu tư" mà gọi điện thoại video cho chị T. không được, chị Đ. sinh nghi nên đã dừng mua thẻ. Đến khi liên hệ được với chị T., chị Đ. mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa vì chị T. đã bị kẻ xấu lấy mất tài khoản Facebook trước đó.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng PC45) cho biết: "Dù có quan hệ từ trước nhưng không phải dễ dàng gì mà nạn nhân có thể chuyển số tiền lớn như vậy.
Thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi. Khi lấy được quyền sử dụng tài khoản Facebook của nạn nhân, bọn chúng sẽ nghiên cứu mối quan hệ, cách nói chuyện của hai người qua những tin nhắn trò chuyện trước đó. Khi trao đổi, các đối tượng sử dụng giọng điệu, cách thức nhắn tin giống như người kia nên nạn nhân không ngờ được là mình bị lừa".
Theo cơ quan điều tra, với thủ đoạn tương tự, từ đầu năm đến nay đã có gần chục vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng thẻ cào điện thoại. Điển hình là chị Nguyễn Thị T. (sinh năm 1976, trú tại huyện Nam Sách) bị lừa 26 triệu đồng, chị Nguyễn Thị L. (sinh năm 1991, trú tại huyện Gia Lộc) bị lừa 40 triệu đồng, chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1987, trú tại TP Hải Dương) bị lừa 55 triệu đồng...
Hám lợi
Một đoạn chat Facebook mà đối tượng lừa đảo giục nạn nhân mua thẻ điện thoại
Ngoài những nạn nhân mất tiền vì nhầm tưởng bạn bè, người thân vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, gần đây trên địa bàn tỉnh còn có những người bị lừa đảo vì hám lợi khi tin vào những mối quan hệ xa lạ trên mạng xã hội.
Khoảng tháng 2.2017, chị Phạm Thị A. (sinh năm 1990, trú tại huyện Kim Thành) quen biết qua Facebook với một người đàn ông tự giới thiệu tên là Jonathan Basil, quốc tịch Đức. Sau khoảng 3 tháng trò chuyện với nhau, người đàn ông trên nói sẽ gửi quà và tiền về cho chị A. nhờ giữ hộ để sắp tới sang Việt Nam kinh doanh sẽ lấy. Ngày 24.5, một người phụ nữ tự xưng là nhân viên sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gọi cho chị A. nói rằng có quà gửi về từ Đức, muốn nhận phải nộp tiền thuế là 36.880.000 đồng.
Tưởng là sẽ nhận được món quà lớn, chị A. không mảy may nghi ngờ đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng người phụ nữ kia cung cấp. Vài ngày sau, đối tượng trên lại gọi điện cho chị A. nói phát hiện một số ngoại tệ lớn trong lô hàng gửi về cho chị này. Nếu chị A. muốn lấy lô hàng thì phải nộp thêm 95 triệu đồng. Do chị A. không có tiền nên đi vay mượn mọi người, định gom đủ sẽ nộp. Chỉ đến lúc này, khi sự việc được nhiều người biết đến thì chị A. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo công an.
Không "may mắn" như chị A., cũng vì ảo tưởng, tin vào mối quan hệ từ trên trời rơi xuống mà chị Ngô Thị H. (sinh năm 1976, trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã bị một "người đàn ông" tên Williams Edward quốc tịch Anh lừa mất trên 290 triệu đồng. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã bắt được Nguyễn Thị Trinh (sinh năm 1979, trú tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Đây là đối tượng vờ là nhân viên ngân hàng gọi điện cho chị H. yêu cầu chuyển tiền thuế để nhận thùng hàng và đô la mà Williams gửi về.
Tại cơ quan điều tra, Trinh khai quen biết một phụ nữ người Việt sống tại Malaysia. Đối tượng này sẽ cung cấp số điện thoại những người bị lừa để Trinh đóng giả là nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu họ chuyển các loại tiền thuế, phí, nộp phạt. Mỗi vụ trót lọt, Trinh sẽ được chia 8% tổng số tiền chiếm đoạt được.
Theo cơ quan chức năng, hiện việc điều tra những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn. Việc truy tìm những đối tượng lừa đảo trên Facebook rất phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao và mất nhiều thời gian. Những tài khoản mà người bị hại chuyển tiền đến đều là của những người khác mà bọn tội phạm thuê lập, rồi sử dụng và chuyển tiền đi ngay sau khi nhận được từ những người bị lừa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải cho biết dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng hiện vẫn còn có những trường hợp mắc bẫy bọn tội phạm. Hằng tuần, hằng tháng, đơn vị vẫn nhận được những đơn trình báo của người bị hại. Để tránh mất tiền, người dân phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin và nghe theo các đối tượng. Với những người nhà, bạn bè nhờ mua thẻ, vay tiền thì phải kiểm tra rõ ràng, chắc chắn mới thực hiện. Khi thấy nghi ngờ, người dân phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bình luận (0)