Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Phần đất tranh chấp là một lối đi có tổng diện tích gần 100 m2.
Cho đi nhờ, mất đất
Nghe tòa tuyên án, bà H.T.T (nguyên đơn trong vụ án) mừng rỡ. "Vậy là gia đình tôi tiếp tục hy vọng đòi lại được phần diện tích lối đi bị hàng xóm chiếm dụng bao năm qua" - bà T. lạc quan.
Minh họa: KHỀU
Bà H.T.T khởi kiện ông N.B.L, đòi lại lối đi do gia đình bà mở ra trên mảnh đất hương hỏa. Theo bà T., nhiều năm trước, bà đồng ý việc gia đình ông L. sử dụng lối đi này, không ngờ ông L. ngang nhiên chiếm "độc quyền" lối đi. Lúc tòa sơ thẩm tuyên bố ông L. thắng kiện, bà T. đã lập tức kháng cáo.
Tại tòa phúc thẩm, bà T. trình bày gia đình bà canh tác, sinh sống trên mảnh đất rộng hơn 1.000 m2, có nguồn gốc từ đất hương hỏa. Từ năm 1992, bà T. nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên. Do muốn thuận đường di chuyển nên gia đình bà mở một lối đi trên mảnh đất. Sau này, gia đình bà rào lại lối tắt vì không có nhu cầu sử dụng nữa rồi trồng rau, quả. Ông L. là hàng xóm kế bên nhà bà T. có bỏ hoang một khoảnh đất diện tích gần 300 m2. Phần đất nằm ngay sau lối đi cũ mà gia đình bà T. rào lại từ lâu. Đến năm 2008, ông L. tự động phá bỏ cây trồng trên đó của bà T., nói đây là lối đi duy nhất giúp gia đình ông có thể đi từ nhà (sát mặt đường lớn) vào khoảnh đất đang bỏ hoang mà ông đang định khai thác. Nể tình hàng xóm, bà T. mở lại lối đi cũ.
Tuy nhiên, một thời gian sau, bà T. tá hỏa khi thấy ông L. xây hàng rào ngăn lại nên gia đình bà không thể sử dụng được lối đi đó nữa. Bà càng sốc hơn khi phát hiện ông L. âm thầm sáp nhập lối đi vào mảnh đất bỏ hoang của ông, làm thủ tục xin cấp đổi giấy tờ sở hữu mới. Cơ quan chức năng cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông L., trong đó có luôn phần diện tích lối đi. Nhiều lần dàn xếp không thành, bà T. khởi kiện đòi đất.
Trở về vạch xuất phát
Thể hiện thái độ nóng nảy trong phòng xử phúc thẩm, ông L. phản bác, cho rằng những thành viên khác trong gia đình bà T. đã cam kết nhượng lại gia đình ông lối đi nói trên và ông đã gửi lại bà T. tiền đền bù số hoa màu gia đình bà T. trồng mà ông đã phá trên lối đi (10 triệu đồng). Ông L. đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. "Ai có sổ đỏ, người đó là chủ đất! Tôi chấp nhận trả thêm tiền nếu nguyên đơn muốn, miễn gia đình tôi có thể giữ luôn lối đi" - ông L. khăng khăng.
Không khí phiên tòa hết sức căng thẳng, dù phòng xử án không có đến 10 người. Không khoan nhượng, bà T. có phần lớn tiếng: "Lối đi trên nằm trong mảnh đất hương hỏa nên tôi không bao giờ tặng, cho hoặc bán đi. Hơn nữa, giá đất ngày một tăng chóng mặt".
Năm 2012, cơ quan chức năng cấp đổi lại giấy tờ sở hữu mảnh đất hương hỏa, diện tích chỉ còn 900 m2, phần lối đi biến mất khỏi bản vẽ hiện trạng đất trong sổ đỏ. Đến khi làm việc với tòa án, bà T. mới ngỡ ngàng biết đến sổ đỏ mới. Nguyên đơn khẳng định đất nhà bà giáp mương nước ổn định nên không thể có biến động.
Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, đồng nghĩa với việc đưa vụ kiện trở về vạch xuất phát.
Bước ra khỏi phòng xử án, người khấp khởi hy vọng, người lo lắng, bất an. Nhưng trên tất cả, tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau" bao năm nay cũng không còn, tất cả chỉ vì một lối đi.
Sai sót ở cấp sơ thẩm
HĐXX phúc thẩm nhận định tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện nhiều giấy tờ quan trọng không có chứng thực hoặc công chứng. Tòa sơ thẩm chưa làm rõ lý do phần diện tích đất cấp đổi cho bị đơn tăng thêm, diện tích đất trong sổ đỏ cấp đổi cho nguyên đơn giảm (so với sổ đỏ cũ).
Bình luận (0)