Chiều ngày 1-6, phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”, Giám đốc Công ty TNHH Đại An (Công ty Đại An) có trụ sở tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cùng 9 đồng phạm, trong đó có con gái Nguyễn Thu Hằng, tiếp tục tại TAND tỉnh Bắc Ninh với các phần xét hỏi, thẩm vấn, tranh luận, đề nghị mức án và các bị cáo nói lời sau cùng.
Đúng 14 giờ, Minh “Sâm” và đồng phạm được đưa vào phòng xét xử. Qua quan sát, phiên xét xử chiều 1-6, số người đến tham dự phiên tòa đã vắng đi rất nhiều. Những người bị hại, người liên quan được triệu tập cũng không có mặt.
Sau các phần xét hỏi và thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý và xác định bị cáo Nguyễn Ngọc Minh là người cầm đầu chỉ đạo các nhân viên thu phí trái pháp luật nên phải có hình phạt và mức án cao hơn so với các bị cáo khác để nhằm răn đe, giáo dục bị cáo.
Bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định Điều 135 Bộ luật Hình sự (BLHS), VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Nguyễn Ngọc Minh từ 20 tháng đến 30 tháng tù giam; Nguyễn Văn Tùng và Vũ Quốc Khánh, 18 tháng 13 ngày tù; Nguyễn Thu Hằng 17 tháng 9 ngày; Trần Thái Sơn và Phạm Văn Đức 18 tháng 6 ngày, Nguyễn Hữu Hoàng 18 tháng 13 ngày; Nguyễn Tiến Thắng 18 tháng 6 ngày tù; Nguyễn Văn Hòa 12 - 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng đối với bị can Quách Văn Lộc 18 tháng 6 ngày bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 230 BLHS.
Từng bị cáo khi lần lượt trả lời đại diện VKS: “Các bị cáo có tranh luận hay phản bác gì với phần luận tội của VKS hay không?". Minh “Sâm” và đồng bọn đều nói không có bất cứ tranh luận gì.
Kết thúc phần tranh luận, tòa chuyển sang phần nghị án. Được nói lời sau cùng, bị cáo Minh “Sâm” mong Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ mức án vì nói hoàn toàn không có động cơ xúi giục nhân viên cấp dưới chiếm đoạt tiền của các chủ gỗ.
“Bị cáo có nhiều công lao trong việc xây dựng phát triển quê hương, còn được nhà nước tặng bằng khen. Bản thân gia đình sau khi biết mình gây ra phạm pháp đã đền bù kịp thời và bị cáo có công với cách mạng nên mong muốn được HĐXX xem xét các tình tiết được giảm nhẹ tội” - bị cáo Minh “Sâm” nói trước tòa.
Tương tự, con gái của Minh “Sâm” cùng 8 bị cáo còn lại đều ăn năn hối cải trước việc làm của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Kết thúc phần tranh luận, dự kiến 9 giờ sáng ngày 2-6, TAND tỉnh Bắc Ninh tiến hành tuyên án Nguyễn Ngọc Minh và các đồng phạm.
Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 13-8-2014, tại chợ gỗ Phù Khê Đông (thuộc xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn), công an bắt quả tang Nguyễn Hữu Hoàng, nhân viên của Ban Quản lý chợ Đồng Bèo thuộc Công ty Đại An, có hành vi cưỡng đoạt 1,2 triệu đồng của anh Đ.B.L. (ngụ huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ đó, lực lượng công an bóc gỡ đường dây tội phạm do Minh “Sâm” cầm đầu, núp bóng dưới vỏ bọc Công ty Đại An.
Năm 2000, Minh “Sâm” thành lập Công ty Đại An, hoạt động kinh doanh các ngành nghề như: sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản; xây dựng hạ tầng; buôn bán bất động sản; cho thuê kho, bãi đỗ xe… Năm 2010, Công ty Đại An được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đầu tư dự án kinh doanh 2 chợ gỗ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và Phù Khê Thượng thuộc xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn). Từ khi 2 chợ này đi vào hoạt động (tháng 5-2012) đến nay, Minh “Sâm” chưa đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập ban quản lý chợ cũng như các nội quy liên quan đến hoạt động của chợ mà tự lập Ban Quản lý chợ Đồng Bèo và tuyển 6 nhân viên, trong đó có con gái là Hằng và con rể Trần Thái Sơn (cũng là bị can trong vụ án, bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”).
Để lấy tiền chi phí hoạt động cho Ban Quản lý chợ Đồng Bèo, Minh “Sâm” ban hành quy chế về phí, lệ phí lưu bãi khu vực chợ gỗ Phù Khê, trong đó quy định: các loại xe trọng tải lớn phải nộp phí từ 1-3 triệu đồng/lần lưu bãi; ô tô không chở hàng mà đi vào chợ cũng phải nộp 50.000 đồng… Ngoài ra, Minh “Sâm” còn chỉ đạo nhân viên Ban Quản lý chợ Đồng Bèo buộc các ô tô chở gỗ trước khi vào chợ hoặc nhà riêng, kho bãi của các hộ kinh doanh thì phải vào ban quản lý chợ để hạ gỗ xuống rồi mới tiếp tục cho vận chuyển về điểm tập kết, thông qua đó để thu phí bốc xếp, bến bãi… Nếu các xe không chịu trả phí thì đàn em của Minh “Sâm” không cho vào chợ hoặc báo lại cho Minh “Sâm” xử lý.
Tổng cộng có 12 bị hại từng bị Minh “Sâm” và đàn em cưỡng đoạt tài sản, bắt nộp các loại phí với tổng số 184 triệu đồng. Đáng chú ý, số tiền này đã giảm nhiều so với kết luận điều tra của Bộ Công an trước đó cho rằng Minh “Sâm” cùng đồng bọn cưỡng đoạt gần 460 triệu đồng của hàng trăm lượt người ở các chợ gỗ tại thị xã Từ Sơn.
Bình luận (0)