Sáng 24-6, trụ sở làm việc của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, doanh nghiệp phát tán Ptracker - phần mềm nghe lén 14.000 điện thoại di động (ĐTDĐ - Báo Người Lao Động đã thông tin) - ở phường Khương Thượng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã đóng cửa kín mít từ lối vào.
Có dấu hiệu hình sự
Theo thượng tá Tạ Văn Biên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp. Qua việc cài đặt phần mềm vào ĐTDĐ, kẻ xấu có thể khai thác những thông tin liên quan đến cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh… Đây là hành vi xâm phạm đời tư, vi phạm pháp luật. Ông Biên cho biết hiện nay, việc mua bán phần mềm nghe lén chủ yếu qua mạng và thanh toán tiền qua tài khoản nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Về pháp lý, luật sư Nguyễn Xuân Bính (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng có dấu hiệu vi phạm điều 125 Bộ Luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Cụ thể: Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 của điều luật này thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu như trong vụ này còn có hành vi sử dụng trái phép thông tin thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo điều 226 của Bộ Luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Mức hình phạt cao nhất đối với tội này có thể lên đến 7 năm tù.
Nhiều máy chủ nghe lén ở nước ngoài
Để xử lý hành vi nghe lén, trước hết phải xác định bị hại là các chủ thuê bao điện thoại bị truy cập bất hợp pháp, đồng thời các bị hại phải có đơn trình báo để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện PC50 - Công an TP Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị để điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng và tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại. Đáng chú ý, hiện vẫn còn một số tài khoản liên quan đến nghe lén hoạt động từ máy chủ đặt ở nước ngoài. Vụ việc đã được báo cáo lên lãnh đạo Công an TP Hà Nội và được chỉ đạo xử lý nghiêm.
Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng PC50 - Công an TP Hà Nội, cho rằng không chỉ giao tiếp, ĐTDĐ còn lưu giữ nhiều thông tin quan trọng như giao dịch tài chính, lưu trữ hình ảnh, thông tin cá nhân... Những thông tin này là “mồi ngon” cho tội phạm nếu bị lộ ra ngoài. Chính thói quen cài đặt các ứng dụng một cách vô tội vạ, thường xuyên truy cập web “đen” khiến ĐTDĐ rất dễ bị nhiễm các phần mềm độc hại. Đại tá Lê Hồng Sơn cảnh báo: Để an toàn, người dùng ĐTDĐ cần bảo mật bằng mật khẩu, không cho người lạ mượn máy... và nên coi ĐTDĐ là vật bất ly thân.
Cách phát hiện và phòng tránh phần mềm nghe lén
Các chuyên gia cho rằng phần mềm nghe lén thường chạy ngầm trên điện thoại, không xuất hiện biểu tượng cài đặt trên màn hình, không có trong danh sách phần mềm đã cài đặt hoặc có nhưng được đổi tên gần giống những phần mềm bình thường khác. Chính vì thế, phần mềm nghe lén rất khó phát hiện đối với người dùng bình thường, thậm chí nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cũng không dễ nhận biết những phần mềm độc hại này.
Theo những người am hiểu công nghệ thông tin, dấu hiệu dễ nhận biết phần mềm nghe lén là lưu lượng dữ liệu GPRS, 3G tăng đột ngột dù người dùng không truy cập internet nhiều, bởi vì những phần mềm nghe lén liên tục âm thầm truyền dữ liệu về máy chủ của kẻ xấu. Ngoài ra, khi bị cài phần mềm nghe lén, máy nhanh hết pin do phần mềm này hoạt động liên tục hay trên điện thoại xuất hiện tin nhắn lạ, biểu tượng GPRS và 3G dù người dùng không đăng ký các dịch vụ này (bị kẻ xấu đã kích hoạt sử dụng từ xa...). Vì vậy, cách tốt nhất để gỡ bỏ phần mềm nghe lén khỏi máy điện thoại là khôi phục cài đặt gốc (Factory Reset). Nếu như đã khôi phục cài đặt gốc mà vẫn còn những dấu hiệu lạ thì người dùng nên mang điện thoại đến các trung tâm bảo hành yêu cầu cài lại hệ điều hành vì hiện nay, một số phần mềm nghe lén được cài thẳng vào “nhân” của hệ điều hành, như cách Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đã làm.
Để đối phó với phần mềm nghe lén điện thoại, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triền Bkav, khẳng định: “ĐTDĐ nên là vật bất ly thân”. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo tình trạng nhiều người dùng do không rành về cài đặt đã mang máy đến các cơ sở dịch vụ chép thêm phần mềm. Hiện nay, phần lớn phần mềm cài đặt thêm là không có bản quyền và trong số này thường lẫn các phần mềm nghe lén.
Chánh Trung
Bình luận (0)