Một trong những vụ án được dư luận quan tâm đó là vụ ông Nguyễn Văn Thành (SN 1958; ngụ quận 5, TP HCM) bị điều tra hành vi "Kinh doanh trái phép". Hiện tại, TAND Tối cao tạm đình chỉ chấp hành giám đốc thẩm đối với ông Thành, đồng thời TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM.
Quan điểm trái ngược
Ông Thành bị TAND huyện Bình Chánh tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo do có hành vi kinh doanh trái phép 17 máy phát điện, tòa tuyên trả lại 12 máy phát điện. VKSND huyện Bình Chánh kháng nghị đề nghị tịch thu 12 máy phát điện. TAND TP HCM đã bác kháng nghị, tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, ông Thành có đơn đề nghị kháng nghị đối với 2 bản án vì cho rằng bị oan.
Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định việc truy tố, xét xử đối với ông Thành là không có căn cứ pháp luật. Vụ án được đình chỉ với lý do hành vi mua bán 17 máy phát điện không cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, TAND Tối cao cho rằng nhận định này là không đúng và khẳng định tòa án 2 cấp kết án ông Thành về tội "Kinh doanh trái phép" là có căn cứ.
Vụ án bà Mai Thị Ngọc Vân từng gây nhiều tranh cãi
Một vụ án khác cũng gây xôn xao dư luận về quan điểm trái chiều giữa 2 cấp xét xử. Đó là vụ bà Mai Thị Ngọc Vân (SN 1981, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phạm tội "Cố ý gây thương tích", bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên 9 tháng tù nhưng sau đó kháng cáo xin giảm án.
Xử phúc thẩm, VKSND TP HCM đã yêu cầu hủy án do vi phạm tố tụng nghiêm trọng, thương tích của các nạn nhân chưa xác định được ai gây ra nhưng HĐXX vẫn quyết định tăng án từ 9 tháng lên 4 năm. Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xử giám đốc thẩm theo kháng nghị của VKSND cùng cấp đã tuyên hủy 2 bản án hình sự đối với bà Vân. Điều tra lại, công an kết luận bà Vân chỉ gây thương tích cho 2 người với tỉ lệ 3% trong khi trước đó, TAND TP HCM kết luận bà Vân gây thương tích 17%.
Nhận thức thẩm phán khác nhau (!?)
Hàng chục năm tham gia công tác xét xử và quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) nhìn nhận hiện tượng tòa án các cấp xử mỗi nơi mỗi khác là có.
Theo bà Thủy, trong một vụ án, khung hình phạt và điều luật mà VKS truy tố đã thể hiện trên cáo trạng, đến khi hồ sơ được chuyển sang tòa thì thẩm phán thụ lý nghiên cứu. Trước hết, thẩm phán sẽ nghiên cứu chứng cứ buộc tội, tội danh, cáo trạng. Tiếp đến, người thụ lý sẽ nghiên cứu tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo, đã khắc phục hậu quả hay chưa rồi mới đưa ra xét xử.
"Phiên tòa là nơi kiểm tra chứng cứ công khai nên nếu nói mỗi nơi xử mỗi khác thì không đúng lắm vì có thể khung hình phạt đã quy định rõ trong luật. Nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được xử dưới khung chứ không bó buộc ở khung hình phạt. Sở dĩ tòa này đánh giá chứng cứ là có tội còn tòa khác cho là không thì thuộc phạm trù chứng cứ gián tiếp; còn đã rạch ròi, bị cáo nhận tội thì đâu còn gì để tranh cãi. Khi thẩm phán xâu chuỗi những chứng cứ khác lại thì đi đến hành vi cuối cùng xác định là có tội; còn thẩm phán khác nghi ngờ thì có một nhận định khác" - bà Thủy phân tích.
Trường hợp bị cáo chối tội, theo bà Thủy, thẩm phán sẽ kết hợp những chứng cứ gián tiếp như lời khai bị hại, nhân chứng…để đánh giá vụ án. Có thể thẩm phán này cho rằng chứng cứ đủ buộc tội, thẩm phán kia cho rằng yếu hoặc thẩm phán khác lại nhận định vô tội. Như vậy, quan điểm khác nhau trong một vụ án chính là căn cứ vào đánh giá của mỗi thẩm phán.
Đối với những vụ án có ranh giới bên này hoặc bên kia thì căn cứ vào đánh giá của thẩm phán, có tội hay không có tội. Còn về hình phạt thì tùy theo cá nhân nghiên cứu hồ sơ vụ án và khả năng đánh giá của thẩm phán.
Bà Thủy cũng cho rằng án treo hay án giam tùy theo tính chất của vụ án, căn cứ vào nhân thân. Cũng có thể có tình trạng một vụ án tính chất như nhau nhưng từng nơi có mức án khác nhau là do thẩm phán căn cứ vào luật, căn cứ từng vụ án riêng biệt đối với từng bị cáo, vấn đề này luật không quy định.
"TAND Tối cao nhận thấy việc mỗi thẩm phán có đánh giá khác nhau nên đã quy định cụ thể mức hình phạt cho từng tội danh. Có khá nhiều tội danh mà TAND Tối cao đã cân phân rất rõ ràng, cụ thể nên nếu có chênh lệch mức án chút ít thì căn cứ vào nhân thân của bị cáo. Trường hợp thẩm phán làm bừa thì sẽ bị đánh giá về trình độ" - bà Thủy nói.
Thẩm phán "nhúng chàm"
Vừa qua, VKSND Tối cao đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Bích Anh (SN 1965; nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) do nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Ngày 16-10-2017, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên bà Trương Thị Hoa (nguyên Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar) 12 tháng tù do có hành vi nhận hối lộ 80 triệu đồng.
Ngày 21-1-2016, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt Trương Vi Văn (38 tuổi, nguyên thẩm phán TAND huyện Đạ Huoai) 7 năm tù do nhận hối lộ 50 triệu đồng.
Bình luận (0)