Vụ án 1: Hiếp dâm hay đồng thuận?
Vào một tối đẹp trời, Lý Văn Ton (SN 1986, thường trú tại tỉnh Cao Bằng; đang đi làm thuê tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) mua một thùng bia, rủ vợ chồng anh Lý Dào Kinh (xã Ea M’Droh) sang nhà vợ chồng chị L.M.D (SN 1984), trú cùng thôn với anh Kinh nhậu. Sau khi chén chú chén anh xong, vợ chồng anh Kinh về nhà ngủ, chồng chị D. “thỉnh” khách vào ngủ ở phòng khách chung với mình, còn chị D vào trong buồng ngủ cùng hai con.
Đến khoảng 21 giờ 30, Ton dậy đi vệ sinh rồi không quay lại giường ngủ với trai lạ mà đi vào phòng chị D đang ngủ cùng 2 con. Ton sờ soạng, chị D. tỉnh giấc nhưng do phòng tối, tưởng là chồng mình nên vẫn nằm im. Thấy chị D không thổi còi, Ton tiếp tục dẫn banh vào vòng cấm địa rồi sút thủng lưới đối phương. Khoảng 5 phút sau, không biết do vẫn còn say hay trong cơn cuồng yêu Ton “cạp nhẹ” vào má của chị D. Quá đau do cú cắn yêu, chị D. Quơ tay, đẩy kẻ mót tình ngã xuống nền nhà và dậy bật điện. Phát hiện là anh hàng xóm cơ hội, chị D. đã đánh thức chồng dậy và trình báo với cơ quan chức năng.
Chỉ 2 ngày sau, vào ngày 18-9-2013, Viện KSND huyện Cư M’gar đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp anh chàng “dê núi” này.
Vụ án thứ 2: Bức xúc hay gây rối trật tự công cộng?
Nếu bị cáo Hồ Duy Trúc làm xã hội căm giận vì hành vi tàn độc khi thực hiện các vụ chặt tay cướp xe xảy ra trước đó thì "Trúc mẫu" đã làm dậy sóng dư luận trong ngày 25-12-2013 và các ngày sau đó, vì sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án tử cho con mình, trên đường ra ngoài phòng xử, bà mẹ này đã gào thét, chửi bới các nạn nhân: “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH).
Cũng lên tiếng bênh vực em mình, khi ở ngoải sân tòa, chị gái của Trúc đã la ó, dùng tay đập xe cấp cứu trong sân, dùng đá chọi vào nơi làm việc của các thư ký, thẩm phán làm nhân viên của các phòng này phải đóng cửa cố thủ.
Không chỉ gào thét, ném đá, những người thân của bị cáo cũng dành chửi bới cả thẩm phán, luật sư. Khi luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo Trúc vừa rời khỏi phòng xử, một thanh niên đã rượt đuổi và có hành vi xô xát với luật sư.
Ở trước sân tòa, với sự có mặt của nhiều người, trước khi lực lượng 113 có mặt mẹ của Hồ Duy Trúc đã tuột quần để phản đối phán quyết của tòa.
Vụ án thứ 3: Có đòi được không?
Gần 4 năm qua vụ bà L.T.P.H gửi hơn 100 lá đơn khắp nơi kiện bạn trai là ông L.V.T (cùng trú TT Tiên Kỳ, H. Tiên Phước, Quảng Nam) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã làm điên đầu nhiều ban ngành của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Theo bà cho biết, số là bà H và ông T. là bạn học cũ. Năm 1992, ông bà gặp lại sau nhiều năm không gặp. Kỷ niệm tuổi học trò kéo 2 người gần lại với nhau khi cả hai vẫn còn trai đơn, gái chiếc. Ai cũng bảo đó là tình “iu” nhưng bà bảo ứ phải, dù ông có tặng bà vải và bà cũng có tặng ông quần short.
Chẳng biết ông ca bài ca con cá, con dê mùi mẫn thế nào mà từ năm 1998 ông hết mượn tiền để mua xe, rồi đến mua gỗ dự trữ làm nhà,làm mồ mả gia tộc, thậm chí cả cá độ bóng đá…hết lần này đến lượt khác, xuân sang rồi thu tới…tổng cộng bà cho ông mượn 32 chỉ vàng và 42 triệu đồng.
Đến lúc tình bậu muốn thôi, ngày 10-1-2010 bà H. làm đơn kiện ông T. Lúc các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, hỏi bà chứng cứ, bà bảo ông T. có đưa quyển sổ nhật ký của ông làm bằng chứng cho việc mượn tiền. Ngặt nỗi trong quyển sổ này chỉ toàn là những bài thơ, nhạc những lúc ông phiêu, còn tuyệt nhiên không có dòng hay chữ nào nói về số nợ đó cả.
Khi cơ quan chức năng không tìm ra được chứng cứ hay người làm chứng để buộc tội ông T, bà đâm đơn quay sang kiện luôn từ huyện đến tỉnh không bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Về phần mình, nghe bị kiện, ông T. bực mình buột miệng: “Tiền tui nhiều đến nỗi xài không hết, phải gửi sang Mỹ. Mắc mớ gì tui mượn tiền của bà ấy”. Cũng từ câu nói của “anh ấy”, bà đâm đơn kiện tòa không cho người sang Mỹ xác minh xem ông có tiền gửi bên Mỹ không, nếu có phải phải thu hồi gấp về trả cho bà.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan chức năng trong buổi đối thoại bà H.
Dù Ban nội chính tỉnh ủy đã có buổi đối thoại để có câu trả lời cuối cùng với bà. Nhưng bà vẫn cho rằng số tiền bà bị mất quá lớn nên không thể bỏ qua.
Vụ án thứ 4: Công chứng hay ai chứng?
Chuyện rắc rối và đau lòng này xảy ra với ông N.B.D. (trú tại Gia Lai) khi ông phải suy nghĩ, lưỡng lự mãi rồi mới bước vào phòng công chứng xin chứng thực về tờ cam kết của tình địch hứa sẽ không qua lại, nhắn tin hay gặp mặt vợ ông và bồi thường danh dự cho ông 10 triệu đồng, nhưng phòng công chứng từ chối chứng thực.
Ông kể: vợ chồng ông chung sống hạnh phúc bao nhiêu năm, con cái đề huề, kinh tế khá giả, là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Thế nhưng, nào ai biết trước được chữ ngờ. Trong một lần đi làm, đau bụng nên phải quay về nhà, ông phát hiện vợ mình đang trai trên gái dưới với người đàn ông khác ngay trong nhà. Nghĩ đi ngẫm lại phải sống vì con, ông đành nuốt nghẹn, chấp nhận việc gia cang bất hạnh, để cho kẻ thứ 3 viết lá đơn xin chấm dứt tình yêu với vợ của ông với cam kết là cam đoan những nội dung trong đơn này được viết hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc! Thế nhưng dù ông có nói kiểu gì phòng công chứng cũng không thực hiện theo ý nguyện của ông.
Bình luận (0)