Tiếp viên
Hai khẳng định trái chiều
Tại sân bay Đà Nẵng, ông Khương đề nghị được xuống máy bay, không tiếp tục hành trình và được tổ bay đồng ý. Tuy nhiên, sau đó thời tiết thuận lợi, chuyến bay tiếp tục khởi hành theo lịch trình ban đầu. Lúc này, ông Khương yêu cầu lấy lại thẻ lên tàu (boarding pass) để sau này tiện thanh toán. Nhưng trước đó, tiếp viên chuyến bay đã đưa thẻ lên tàu cho nhân viên mặt đất để làm thủ tục xuống sân bay Đà Nẵng cho khách. Lời qua tiếng lại vì chiếc thẻ lên máy bay, nhân viên an ninh được điều động lên can thiệp theo yêu cầu của phi hành đoàn. Ngay lập tức, ông Khương bị nhân viên an ninh bẻ tay, dùng dùi cui điện gí vào người để khống chế đưa xuống.
Chưa hết, theo luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín nhiệm và cộng sự, người được ông Lê Minh Khương ủy quyền, cho biết bố của ông Khương đi theo chuyến bay đã 70 tuổi nhưng cũng bị bẻ tay ra đằng sau để cưỡng chế xuống máy bay. Chứng cứ của luật sư thu thập được từ ít nhất của 3 hành khách trên cùng chuyến bay cũng cho biết ông Khương chỉ yêu cầu trả lại thẻ lên tàu, hoàn toàn không có thái độ chống đối, la hét…
Trong khi đó, trong thông cáo phát đi chiều 20-4, VNA khẳng định: Sau khi máy bay lăn bánh ra đường băng, ông Lê Minh Khương to tiếng yêu cầu trả lại thẻ lên tàu, không chịu trở về chỗ ngồi và có biểu hiện gây rối, tiếp tục la hét. Xét thấy việc khách không tuân thủ quy định an toàn, an ninh hàng không, có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn chuyến bay và phi hành đoàn, cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay trở lại sân đỗ và liên hệ lực lượng an ninh tại sân bay Đà Nẵng đề nghị trợ giúp. Lúc đó, ông Khương không chịu xuống máy bay, nhân viên an ninh đã áp giải khách xuống và bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Trung giải quyết.
Đang làm thủ tục khởi kiện
Luật sư Trần Thu Nam cho biết sau khi đi giám định thương tật, kết quả cho thấy ông Khương bị rạn xương bàn tay và tổn thương phần mềm, phải bó thuốc để điều trị. Theo kế hoạch, ngày 27-4, ông Khương sẽ có mặt ở Hàn Quốc để tham dự một giải đấu taekwondo quốc tế nhưng sự việc này xảy ra rất có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nói trên. Luật sư Nam cho biết những thông tin VNA đưa ra không đúng sự thật, ông Khương không gây rối, không la hét trên máy bay. Văn phòng Luật sư Tín nhiệm và cộng sự đang làm thủ tục để khởi kiện VNA ra tòa với lý do đánh người, không trả vé, phục vụ không tốt, theo tội cố ý gây thương tích và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hành khách theo Bộ Luật Dân sự. Thủ tục khởi kiện có thể được hoàn tất ngay trong tháng 4.
Đến chiều 20-4, các bên liên quan đã bắt đầu gửi biên bản cùng một số báo cáo sơ bộ về Cục Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, các báo cáo này chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên chưa đủ cơ sở để xác định rõ đúng, sai.
Phải sử dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Từ Văn Sửu, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ An ninh hàng không Đà Nẵng, cho biết hoàn toàn không có chuyện nhân viên an ninh hành hung ông Khương. Khi lực lượng an ninh mời ông Khương xuống máy bay, ông Khương không chấp hành nên buộc phải sử dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế. Ông Đỗ Anh Đào, Phó đội trưởng đội an ninh cơ động, người tham gia giải quyết vụ việc trên chuyến bay này, cho biết chỉ có 4 nhân viên an ninh lên máy bay giải quyết vụ việc, không phải gần 20 người như phản ánh của hành khách trên báo chí. Được biết, VNA đang xem xét khả năng từ chối vận chuyển đối với hành khách Lê Minh Khương trên các chuyến bay của hãng. |
Bình luận (0)