Trưa nắng, một người phụ nữ bị tật ở chân lê những bước khó nhọc trên sân TAND TP HCM. Được cảnh sát bảo vệ phiên tòa nhắc vào phòng xét xử tìm chỗ ngồi, bà lúng túng, xin được ngồi bên ngoài nhìn vào với lý do không thể ngồi lâu một chỗ, cứ 5-10 phút phải đứng lên cho chân bớt đau nhức.
Bài học đắt giá
Người phụ nữ hướng đôi mắt chỉ còn nhìn rõ một bên tìm kiếm bóng dáng con trai từ những chiếc lưng bị cáo đứng trước bục khai báo. Con trai bà tên Nguyễn Ngọc Huy, là một trong 12 bị cáo bị đưa ra xét xử ngày 7-9 trong vụ án tổ chức đánh bạc, đánh bạc và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Giờ nghị án, bà kể gia đình trải qua nhiều cơ cực, chồng mất, con gái đi lấy chồng xa nên cuộc sống của bà phụ thuộc hoàn toàn vào Huy. Nhà nghèo, Huy nghỉ học sớm để đi làm thuê. Sau khi có vợ, Huy gắn bó với nghề thợ sơn. Cuộc sống quanh quẩn chuyện mưu sinh, ai cũng chắt chiu, dành dụm để hy vọng các con Huy khi sinh ra được ăn học đàng hoàng.
Người mẹ kể tiếp con bà dính vào đường dây tội phạm này nhưng không phải vì tổ chức đánh bạc, không tham gia đánh bạc. Theo đó, qua trinh sát, công an nắm bắt được đường dây do Bùi Tuấn Anh, quê Nam Định, cầm đầu, sẵn sàng dùng súng để đòi nợ, giải quyết mâu thuẫn như xã hội đen.
Sau khi sa lưới, Tuấn khai có "đàn em" đưa súng cho một đồng phạm mượn. Kẻ đồng phạm mang đi giải quyết mâu thuẫn nhưng không thành nên đưa cho bạn tên Thuận, Thuận nhờ Huy cất giùm.
"Nó với thằng Thuận chơi với nhau từ nhỏ, hai nhà ở gần nhau. Vì nể nang, nó mang súng về nhà cất bởi xung quanh nhà tôi cây cối um tùm, chắc hai đứa nghĩ không ai phát hiện được. Đến lúc công an vô khám xét, tôi mới tá hỏa sao con mình dại dột như vậy..." - người mẹ than.
Bà kể khi được chị gái đi thăm nuôi, Huy khóc kể lể từ xưa tới giờ sống hiền lành, vậy mà nay vì cả nể phải đi tù. Cũng theo người mẹ, gần 2 năm Huy bị bắt thì vợ bỏ đi biệt tăm. Giấc mơ về gia đình nhỏ đầm ấm giờ đã chẳng còn. "Xem như bài học đắt giá, để cả đời nó không dám phạm pháp nữa" - người mẹ thở dài.
Các bị cáo là cựu cán bộ Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP HCM) tại tòa
Nuối tiếc
Một vụ án khác, các bị cáo khai vì sợ cấp trên trù dập mà đi vào con đường phạm pháp. Đây là vụ án tại trụ sở Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP HCM) trong những năm 2018 đến 2020.
Trong 13 cựu cán bộ công an bị TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 28-8, có Lê Văn Quý, Phan Văn Hòa. Cả hai từng là phó trưởng công an phường với hơn 30 năm gắn bó với ngành công an. Tuy nhiên, chỉ vì cả nể, ngại va chạm (như nhận định của HĐXX) mà họ làm trái với thẩm quyền được giao phó. Thời gian công tác, cống hiến lẽ ra là niềm tự hào thì họ phải kể ra để được xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, bị cáo Quý, Hòa thừa nhận biết về việc Phạm Thanh Tuấn (cựu trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa) thành lập 2 tổ cảnh sát khu vực đi tuần tra, bắt các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy đưa về trụ sở. Những đối tượng này bị lập lý lịch, lấy lời khai nhưng không bị xử lý mà được tha về sau đó.
29/30 đối tượng thừa nhận từng bị Công an phường Phú Thọ Hòa bắt, tuy nhiên được "tạo điều kiện" gọi điện cho người thân mang tiền, vàng, ngoại tệ tới. 29 đối tượng nhận diện các cán bộ từng bắt mình và "cho phép gọi điện". Kết quả điều tra còn thể hiện các đối tượng khai nhận đã đưa cho cán bộ công an phường tổng cộng hơn 1 tỉ đồng, 2 chỉ vàng và 100 USD.
HĐXX hỏi bị cáo Quý và Hòa có được hưởng lợi gì không, sao lại đi vào con đường phạm pháp. Bị cáo Quý khai từng hỏi cấp dưới nhưng chỉ nhận được câu trả lời "đã báo cáo với trưởng công an phường". Bị cáo cho rằng bản thân bị "vô hiệu hóa" vai trò nhưng vì nội dung công tác này không phải chuyên môn chính của bị cáo tại công an phường nên... ngó lơ.
Với vai trò là cán bộ phụ trách trực tiếp Tổ Cảnh sát phòng chống tội phạm của công an phường, bị cáo Hòa khai biết rõ 2 tổ công tác trên thực hiện sai chức trách, nhiệm vụ và việc lập hồ sơ đối tượng nhưng không xử lý là sai chồng sai. Do đó, trong các buổi giao ban của đơn vị đã kiến nghị chấn chỉnh, dừng việc này. Tuy nhiên, Phạm Thanh Tuấn phớt lờ.
Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố hỏi vậy tại sao không tố cáo vụ việc lên cấp cao hơn. Bị cáo Hòa trả lời rằng cứ nghĩ với vai trò phó công an phường thì chỉ có thể kiến nghị lên cấp trưởng của mình.
HĐXX nhận định 2 cựu phó trưởng công an phường này vì cả nể, ngại va chạm đã không hoàn thành trách nhiệm được giao. Tòa tuyên phạt Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 4 năm tù. 11 bị cáo còn lại cũng nhận những mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Nỗi đau cuối đời
Trước khi tòa vào nghị án, bị cáo Quý trần tình chỉ còn vài năm nữa là về hưu mà lại vướng lao lý. Bao nhiêu công sức, cống hiến suốt 37 năm gắn bó với ngành đều đổ sông đổ bể.
"Nhưng cũng không nặng nề bằng nỗi ân hận không thể gặp được mẹ già trước lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Con trai, con gái cũng vì tôi mà không chịu tổ chức đám cưới..." - cựu cán bộ công an đã hai màu tóc mếu máo như một đứa trẻ.
Còn bị cáo Hòa tha thiết được trở về với gia đình, để sớm làm lại cuộc đời.
Bình luận (0)