Ngày 18-9-2023, sau hơn 13 năm tiếp nhận đơn khởi kiện, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn giữa nguyên đơn là ông N.Đ.A (SN 1961, quốc tịch Mỹ) với bị đơn là bà P.T.N.T (SN 1980).
Kiện để chia tài sản
Thời điểm ra tòa, ông A. đã có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ mới - một diễn viên nổi tiếng và con gái nhỏ. Vợ mới của ông A. thường chia sẻ về cuộc sống hôn nhân viên mãn - theo một số bài báo đăng, khi không phải đau đầu về tài chính, chồng thích làm việc nhà, nuôi con khéo. Ông A. thì không tiếc lời khen vợ dù lấy chồng giàu có, cô vẫn tập trung phát triển sự nghiệp riêng.
Người vợ cũ - bà T. - có phần kín tiếng hơn về cuộc sống riêng. Bà T. nói rằng mình có nhiều thay đổi tích cực sau ly hôn, bà nuôi 2 con gái chung, may mắn các con đều chăm ngoan, học giỏi. Bà và chồng mới có một con trai riêng, hiện gia đình 5 người sinh sống tại Mỹ.
Phiên xử có khá đông người dự, có lẽ mọi người tò mò vì số tài sản tranh chấp rất lớn. Ông A. vắng mặt trong mọi phiên xử, kể cả tuyên án. Bà T. từ Mỹ bay về Việt Nam để dự các phiên xử. Trong phiên xử đầu tiên, đại diện ủy quyền của ông A. được HĐXX mời nói trước. Người này cho biết ông A. khởi kiện đề nghị tòa công nhận toàn bộ tài sản trong thời kỳ hôn nhân, ước tính gần 300 tỉ đồng là tài sản riêng của ông. Phía nguyên đơn cho rằng nguồn gốc tài sản là tiền do ông A. đưa cho bà T. mua. Theo cách hiểu đó, bà T. được xác định là người "đứng tên tài sản giùm chồng". Người đại diện lý giải thời điểm đó ông A. muốn đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch nên phải nhờ vợ đứng tên tài sản.
Luật sư của ông A. còn trình bày trong thời kỳ hôn nhân, bà T. liên tiếp mang thai, sinh 2 con. Thời gian này, bà T. không có công việc, không có thu nhập thì lấy đâu ra tiền mua số tài sản trị giá hơn cả trăm tỉ đồng...
Minh họa: KHỀU
Vỡ mộng sau hôn nhân
Mặc những lời "buộc tội chỉ là người đứng tên giùm" đanh thép của chồng cũ, xuyên suốt những phiên xét xử kéo dài, bà T. một mực khăng khăng toàn bộ tài sản tranh chấp là "của chồng công vợ", là tài sản chung nên yêu cầu chia đôi.
Những lời tố cáo của người chồng cũ như đẩy vụ kiện lên cao trào hơn. Quả thật, nếu chỉ nghe từ phía ông A. trình bày trước tòa, người theo dõi dễ dàng hình dung người vợ cũ có phần… không biết điều.
Phiên xét xử dường như căng thẳng hơn khi ai nấy cũng chờ người vợ lên tiếng. Bà T. bắt đầu bằng câu chuyện của 17 năm trước. Bà T. kể khi lấy ông A. (tháng 9-2006), bà đã bỏ hết sự nghiệp, mong muốn cùng chồng xây dựng một mái ấm hạnh phúc ở nước Mỹ xa xôi. Thế nhưng, dù cuộc sống không phải lo nghĩ về kinh tế nhưng lại không như bà tưởng tượng. Hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn.
Trong một lần cãi vã to tiếng, ông A. chở bà đến văn phòng luật sư, yêu cầu bà ký vào đơn thỏa thuận ly hôn. Trong cơn nóng giận, bà đặt bút ký dù không hiểu rõ nội dung của tất cả văn bản tiếng Anh này. Nhưng sau đó, cả hai lại làm hòa. Ông A. nói với vợ rằng ông đã hủy đơn ly hôn. Bà tin chồng, không nhắc chuyện cũ, cả hai tiếp tục chung sống với nhau. Khoảng tháng 4-2008, khi cả gia đình đang ở Việt Nam, lúc này bà T. mang thai con thứ 2 được 3 tháng. Vợ chồng lại tiếp tục lục đục. Đỉnh điểm, ông A. bất ngờ thông báo tòa án Mỹ đã công nhận đơn thuận tình ly hôn. Bà T. ngỡ ngàng, nhờ luật sư ở Mỹ xác minh sự việc. Tuy nhiên, bà T. nói thêm rằng khi xử ly hôn, tòa án Mỹ còn có các quyết định về phân chia tài sản và buộc ông A. cấp dưỡng nuôi 2 con. Nhưng ông A. không thực hiện.
Sau khi sinh con thứ 2 được vài tháng, bà T. buộc xa con, trở lại Mỹ vừa tìm cách gia hạn thường trú vừa tìm luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý để xin hủy bản án ly hôn vì bà cho rằng mình bị lừa dối. Tuy nhiên, bản án ly hôn đã có hiệu lực.
Bà T. cho rằng số tài sản đang tranh chấp là công sức bà cùng chồng tạo lập. Hơn nữa, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bà là người trực tiếp nuôi dưỡng 2 con chung sau ly hôn, bà yêu cầu tòa án phải chia số tài sản.
Những người nhiều kinh nghiệm đều biết rằng trong những cuộc ly hôn, các bên đều có khuynh hướng nói thêm về những điểm xấu của nhau, nhất là chuyện hôn nhân, nếu không phải người trong cuộc tốt hơn đừng phê phán. Nhưng ở đây, nhiều người tham dự phiên tòa lại nghĩ đến một điều khác. Một người đàn ông phơi bày cuộc sống hôn nhân "cơm không lành, canh không ngọt" với vợ cũ, cất công dẫn nhiều bằng chứng chứng minh người mẹ "không làm tròn bổn phận" với 2 con dù mình không phải là người chăm sóc nhằm để... chia tài sản dù rằng người cha ấy chẳng nghèo.
Bình luận (0)