Theo đó, Công ty Sâm Việt Nam không sở hữu 10 ha sâm như công bố trước đó.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo sở này thì việc xử lý có nhiều vướng mắc. Các quy định của pháp luật không có căn cứ để xử lý hành vi "nói láo". Riêng các sản phẩm của công ty này (chủ yếu là rượu) thì Chi cục QLTT tỉnh Kon Tum đang tiến hành làm rõ.
Theo tìm hiểu, việc các tổ chức, cá nhân mượn danh "quốc bảo" để trục lợi đã khiến những đơn vị trồng sâm Ngọc Linh thứ thiệt bức xúc, muốn phải xử lý nghiêm. Ông Trương Đình Kiểm, Giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam, nói rằng hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó" của những đơn vị mượn danh sâm Ngọc Linh để trục lợi đã làm ảnh hưởng đến người trồng sâm thứ thiệt cũng như hình ảnh sâm Ngọc Linh trong mắt người tiêu dùng, và điều này không chấp nhận được.
Công ty Sâm Việt Nam công bố sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum đã bị lực lượng chức năng “vạch mặt”
Còn ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đắk Tô (1 trong 5 đơn vị được tỉnh Kon Tum cho phép trồng sâm Ngọc Linh từ nhiều năm nay), bày tỏ việc các tổ chức, cá nhân không trồng sâm Ngọc Linh nhưng "nổ" sở hữu những vườn sâm lớn là một sự thật đau lòng.
Ông Chung cho hay chỉ cần gõ từ khóa "Sâm Ngọc Linh" thì sẽ bắt gặp vô số thông tin quảng bá, rao bán sâm Ngọc Linh với những lời cam kết chất lượng, nhưng đa phần toàn là "láo". Theo ông, việc này là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bôi nhọ uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ vậy, các tổ chức, cá nhân trồng sâm Ngọc Linh trên "giấy", trên "miệng" đã làm ảnh hưởng đến các cá nhân đơn vị trồng sâm thứ thiệt, khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin.
"Giải pháp căn cơ nhất là có chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi gian dối này. Đây là loài cây dược liệu được Thủ tướng công bố là "quốc bảo" thì cần phải có thêm chế tài xử lý riêng" - ông Chung kiến nghị.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin Công ty Sâm Việt Nam công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum trước mặt nhiều cán bộ, khách mời đã khiến chính quyền địa phương ngỡ ngàng. Sau khi xác minh, lực lượng chức năng xác định thông tin trên không chính xác.
Trồng sâm Ngọc Linh không phải muốn là được
Sâm Ngọc Linh nguồn gốc chủ yếu ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Muốn phát triển "quốc bảo" này một cách nhanh chóng rất khó vì cần trồng ít nhất từ 6-7 năm mới thu hoạch.
Theo những người trồng sâm, việc mở mang diện tích các vườn sâm phụ thuộc vào lượng hạt giống thu được hằng năm của những cây sâm giống vừa được bảo tồn. Vì vậy không thể phát triển ồ ạt. Nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư nhanh chóng cũng không thể vì không nguồn giống.
Bình luận (0)