Ngày 17-5, chị Phạm Thị Thùy Dung (nhân viên tiệm thuốc tây 406, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vừa mở cửa buôn bán thì một cặp nam nữ chạy xe máy, ghé vào. Vừa vào, họ nói với vẻ trịnh trọng: "Chúng tôi là cán bộ bên Sở Y tế. Mai đoàn thanh tra của Sở Y tế sẽ xuống kiểm tra. Vì vậy, chị nên cất hết các loại thuốc hàng chợ đi".
Hù dọa
Sau đó, họ hỏi tên chị Dung và yêu cầu chị ký vào một tờ giấy rồi đóng 1,5 triệu đồng. Chị Dung kể: "Họ bảo theo yêu cầu của Sở Y tế thì các tiệm thuốc tây mỗi năm phải đóng tiền phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết. 1,5 triệu đồng là tiền phun thuốc phải đóng cho cả năm. Em bảo để em gọi cho chủ tiệm thuốc tây xin ý kiến có đóng hay không. Cặp nam nữ này bảo em đưa điện thoại để họ gọi nói chuyện với chủ nhưng em kiên quyết tự mình gọi thế là họ bỏ đi một mạch luôn". Nghi ngờ đây là cặp đôi lừa đảo nên chị Dung lấy điện thoại chụp lại biển số xe và dáng vóc 2 đối tượng.
Một trong số những cặp đôi ăn mặc lịch sự, chạy xe biển số Bình Dương đi lừa đảo hàng loạt. (Ảnh do camera an ninh ghi lại)
Qua hình ảnh chị Dung cung cấp, chúng tôi xác định cặp đôi này còn mượn mác cán bộ đến nhiều cơ sở khác thu tiền trong đó có cửa hàng rau củ quả sạch đóng tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Chị Trần Thị Hồng Liễu, nhân viên cửa hàng, kể cặp đôi này gõ cửa một cách lịch sự rồi bước vào cửa hàng mình. Họ xưng là cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế Bình Dương - PV). Chị Liễu thuật lại: "Họ bảo cửa hàng rau sạch mới mở phải phun thuốc khử trùng. Họ yêu cầu sáng mai phải có mặt đúng giờ để đoàn chức năng đến phun thuốc. Họ yêu cầu em đóng 1.450.000 đồng để lấy thuốc. Ngày mai đoàn chức năng xuống thì đưa cho họ xịt". Chị Liễu bảo phải gọi cho chủ cửa hàng rau sạch xin ý kiến. Người phụ nữ yêu cầu chị Liễu đưa điện thoại để bà ta nói chuyện với chủ cửa hàng. Thực sự người phụ nữ không thực hiện cuộc gọi này nhưng trước mặt chị Liễu bà ta vẫn diễn trò giống như là đang nói chuyện với chủ của chị Liễu. Sau đó bà ta quay sang bảo chị Liễu rằng người chủ đã đồng ý và yêu cầu chị Liễu trích tiền bán rau ra đưa. "Em gom hết tiền bán hàng và tiền túi chỉ có khoảng 1 triệu đồng nhưng họ vẫn thu. Sau đó họ đưa cho em tờ biên lai rồi đi mất" - chị Liễu nhớ lại.
Hôm sau, không thấy đoàn chức năng nào đến xịt thuốc. Chị Liễu mở "bịch thuốc" mà họ đưa thì phát hiện đây không phải là thuốc khử trùng cho rau mà là bột khử mùi bồn cầu, giá in trên bao bì chỉ vài chục ngàn đồng.
Lừa chuyên nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Bình Dương), cho biết sở không hề có chủ trương, cũng không cử cán bộ nào đi thu tiền như trên. "Đây là các đối tượng lừa đảo. Người dân phát hiện nên báo ngay cho cơ quan công an" - bác sĩ Thứ nói.
Chị Liễu kể lại chuyện mình bị lừa mà không khỏi bức xúc
Đến nay đã có hàng loạt người dân ở Bình Dương bị mắc lừa nhóm người trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mục đích của băng nhóm này là đi bán bột khử mùi hôi, thông tắc bồn cầu nhưng vào vai cán bộ rồi hù dọa, vẻ vời để ép dân mua với giá cắt cổ. Với mỗi loại khách hàng, các đối tượng này có cách tiếp cận, thuyết phục khác nhau. Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ TP Thủ Dầu Một, kể: "Họ chạy xe máy vào thẳng sân nhà tôi. Họ cầm cặp táp, chìa ra tờ giấy có dấu đỏ chói rồi xưng là cán bộ phường. Họ bảo phường có chủ trương làm sạch môi trường, bảo vệ cuộc sống. Vì vậy mỗi nhà phải mua 15 gói bột xử lý hầm cầu với giá 800.000 đồng. Do không làm trái nên tôi đóng luôn. Mấy gói bột mua về vứt xó nhà, chẳng biết dùng như thế nào"!
Anh Nguyễn Thanh Hải - Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một - cho biết kiểu lừa đảo này xuất hiện tại Bình Dương từ 5 năm trước. "Trước đây, chúng tôi đã 5 lần bắt giao các đối tượng này cho công an xử lý. Tuy nhiên, họ chỉ phạt hành chính rồi thả ra. Có lẽ do phạt nhẹ, họ không sợ nên giờ đây đi lừa tiếp! Nhóm này hoạt động có tổ chức, đều từ nơi khác đến".
Tự bảo vệ
Trinh sát cho biết ngoài chiêu giả danh cán bộ, hiện các đối tượng lừa đảo, trộm cắp ở Bình Dương còn tiếp cận nhà dân, cơ sở buôn bán trong vai thợ bảo dưỡng đồng hồ điện, đồng hồ nước, sửa bếp gas miễn phí…. Sau khi vào được nhà, các đối tượng thường nói huyên thuyên, "tung hỏa mù" gây mất cảnh giác rồi nhanh tay trộm tiền hoặc các đồ đạc giá trị như điện thoại, ví tiền.
"Chúng hay tấn công những nhà vắng người, trong nhà chỉ có bà già, trẻ con hoặc người giúp việc. Vì vậy, cần phải nhắc nhở người thân phải cảnh giác với người lạ" - trinh sát nói.
Bình luận (0)