Mới đây, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Bản (SN 1984, ngụ tỉnh Hòa Bình) 18 năm tù về tội “Giết người”. Nguyên nhân xảy ra vụ án thật đơn giản: Sau khi cùng nhóm thợ xây dựng ăn trưa, uống rượu, Bản muốn đi ngủ nhưng Bùi Văn Sầu (SN 1990) ép uống tiếp. Hai bên cãi và thách đố nhau, Bản vớ lấy dao đâm Sầu khiến nạn nhân tử vong.
Rượu vào... tội ác ra
Chiều 27-11-2013, anh L.V.T (SN 1984, ngụ tỉnh Sóc Trăng) cùng em vợ là anh V.C.T (SN 1989) đi dự đám thôi nôi ở nhà người quen tại thị xã Vĩnh Châu. Tại đây, 2 người đã gặp gỡ và được mời vào ngồi cùng bàn nhậu với một nhóm thanh niên quen biết cùng xóm.
Gần tàn tiệc nhậu, anh em L.V.T đứng dậy xin về sớm vì bận việc nhà. Những người ngồi cùng nhất quyết không cho, ép phải uống cạn một lúc 3 ly “rượu phạt”. Lời qua tiếng lại, 2 trong số những người trong bàn nhậu gọi một nhóm côn đồ cầm tuýp sắt, chai bia, dây nịt xông vào đánh 2 thanh niên chất phác. Hậu quả, anh L.V.T tử vong do chấn thương sọ não, anh V.C.T và chủ nhà bị thương...
Cũng vì rượu, ông Vũ Văn Hóa (SN 1961, ngụ huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) phải chết oan uổng sau cái tát mạnh tay của thủ phạm. Theo đó, tối 2-12-2013, trong lúc nhậu, ông Hóa cao hứng rủ mọi người đi hát karaoke. Khi ông Hóa gọi điện thoại “xin phép” vợ, một người nói lớn: “Anh đi chơi với toàn chân dài thôi”. Bực mình, ông Hóa cãi nhau với người này.
Dù không liên quan đến mình nhưng Nguyễn Thế Việt (SN 1984) lại lên tiếng khiến ông Hóa và Việt phát sinh mâu thuẫn. Việt tát mạnh làm ông Hóa ngã đập đầu xuống vệ đường và tử vong sau đó.
Đau xót hơn là bi kịch cha giết con xuất phát từ việc 2 cha con cùng trong tình trạng say rượu, không làm chủ bản thân xảy ra ngày 30-3-2013 tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Sau khi cùng say rượu, cãi nhau, ông Lương Văn Học (SN 1942, ngụ huyện Anh Sơn) lấy thanh sắt đâm vào tay trái con trai là anh Lương Văn Khăm (SN 1971).
Tức giận, anh Khăm châm lửa đốt nhà. Trước hành động quá quắt của con, ông Học vớ chiếc cuốc đào đất phang mạnh vào người anh Khăm khiến nạn nhân tử vong.
Dễ gây tai nạn giao thông
Uống nhiều rượu bia không chỉ làm mất trật tự xã hội, dẫn đến các vụ án giết người, cố ý gây thương tích... “lãng xẹt” mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng. Theo báo cáo của Bộ Công an trước kỳ họp Quốc hội vừa qua, có đến 43% vụ TNGT xảy ra do chủ phương tiện uống rượu bia.
Gây xôn xao dư luận thời gian qua là vụ ông Mai Nam Dương (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) say rượu, điều khiển ô tô 7 chỗ với tốc độ cao tông vào một loạt xe máy lưu thông trên đường Trần Phú, TP Đà Lạt vào chiều 22-5-2013. Tai nạn làm 1 người tử vong tại chỗ, 3 nạn nhân bị thương nặng.
Mới đây, Mai Đức Tiến (SN 1989, ngụ tỉnh Tuyên Quang) bị TAND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xét xử và tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Khoảng 20 giờ ngày 6-5-2013, Tiến được các công nhân làm cùng rủ đi hát karaoke và uống bia. Tiến đã tự ý lái ô tô đang đỗ tại công trường chở 10 người cùng đi. Trên đường trở về, đến đoạn đường dốc, cua, Tiến thấy có ánh đèn pha của xe đi ngược chiều. Do không làm chủ được tốc độ, Tiến đánh tay lái sang phải làm xe đâm vào cột điện, lật nhào qua taluy đường và rơi xuống suối khiến 3 người ngồi bên trong tử vong.
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng vụ TNGT thảm khốc trên địa bàn xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ làm 6 người chết, hàng chục người bị thương, trong đó có nhiều học sinh bị thương rất nặng, vẫn còn là nỗi ám ảnh với thầy trò Trường THPT Chu Văn An (tỉnh Yên Bái). Nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế đã uống rượu lúc ăn trưa, không làm chủ tốc độ, chạy lấn trái đường. Lúc gặp nạn, trên xe chở 43 học sinh, 5 thầy cô giáo đi tham quan.
Lái xe say rượu là tình tiết định khung
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết uống rượu bia dẫn đến không làm chủ hành vi không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Thậm chí, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác trong khi say rượu là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2, điều 202 Bộ Luật Hình sự (có mức hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm).
Bình luận (0)