Ông V.Q (ngụ phường Cô Giang, quận 1, TP HCM) ký hợp đồng cho một cá nhân thuê căn nhà 4 tầng ở quận Gò Vấp (TP HCM) để làm chỗ ở gia đình và văn phòng công ty, thời hạn 5 năm, giá thuê được thỏa thuận theo từng năm. Trong hợp đồng thuê nhà có nội dung về giải quyết đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Có mà như không!
Tuy nhiên, điều khoản về chấm dứt hợp đồng nêu khá sơ sài, đại ý: Nếu bên A (hoặc B) đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà này trước hạn thì phải báo cho bên B (hoặc A) ít nhất một tháng...
Ông Q. giao nhà và lập kế hoạch về tài chính, sinh hoạt... cho 5 năm tới. Sau gần 1 năm êm đẹp, đùng một cái, bên thuê báo tin "tháng sau tôi trả nhà". Lý do trả trước hạn, bên thuê cho biết vì có kế hoạch khác, mong thông cảm! Ông Q. trả lời: "Đồng ý. Dừng trước hạn thì phải chịu phạt tiền theo hợp đồng".
Nhưng khi xem lại hợp đồng thì thấy không hề có điều khoản về phạt tiền đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn. Ông Q. hỏi luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) thì được giải thích: Cơ sở pháp lý cao nhất trong trường hợp này là hợp đồng thuê nhà mà hai bên đã ký, trong đó phải có điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng. Căn cứ vào đó để buộc bên vi phạm trả tiền phạt. Nếu bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ thì bên cho thuê có thể làm đơn khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền, đề nghị can thiệp đòi quyền lợi.
Như vậy thì coi như thua, ông Q. vừa không lấy được tiền phạt vừa nhận lại nhà trong tình cảnh lỡ dở nhiều thứ. Khi chuyện này được đưa lên mạng xã hội, nhiều người vào bình luận và cho biết qua đây họ mới tá hỏa khi kiểm tra lại hợp đồng cho thuê nhà của mình cũng thấy thiếu thỏa thuận phạt tiền với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Mặt bằng tại địa chỉ 27-33 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM đang tranh chấp.Ảnh: Hoàng Triều
Ra tòa chưa chắc xong
Tranh chấp mặt bằng và quyền lợi, tài sản liên quan đến mặt bằng, góp vốn kinh doanh mặt bằng hiện khá phổ biến. Nơi giải quyết cuối cùng là tòa án nhưng không phải trường hợp nào cũng ra tòa là xong.
Báo Người Lao Động vừa nhận đơn thư của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển Duy Tân (gọi tắt: Duy Tân) tố giác Công ty TNHH Thương mại Golden Lotus (gọi tắt: Golden Lotus) chiếm giữ mặt bằng, cho dù trước đó tòa sơ thẩm tuyên phần thắng thuộc về Duy Tân.
Theo hồ sơ, ngày 4-1-2016, hai công ty nói trên ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư kinh doanh trên mặt bằng 2 mặt tiền số 27-33 Phạm Ngọc Thạch và 208 Pasteur (quận 3, TP HCM). Quyền sử dụng đất thuộc về Duy Tân (lúc này đang trong tiến trình hoàn thiện hồ sơ nhận sổ đỏ); còn Golden Lotus thì bỏ tiền xây dựng cơ sở vật chất trên đất để kinh doanh văn phòng, dịch vụ, thương mại. Thời hạn hợp đồng 5 năm (kết thúc vào tháng 7-2021).
Nội dung bản hợp đồng thể hiện: Trong 2 năm đầu, hằng tháng Duy Tân được Golden Lotus phân chia lợi nhuận 400 triệu đồng. Từ năm thứ 3 trở đi, mức phân chia lợi nhuận tăng 5% so với năm liền kề trước đó.
Golden Lotus xây dựng mặt bằng để kinh doanh spa kiểu Hàn Quốc. Cho rằng đối tác sử dụng không đúng mục đích như đã cam kết trong hợp đồng, đồng thời lấy lý do đối tác không trả thêm 5% lợi nhuận từ năm thứ 3 và tùy tiện cải tạo nhà, Duy Tân gửi văn bản cho Golden Lotus đòi lại mặt bằng.
Golden Lotus không trả, Duy Tân kiện ra TAND quận 3. Bản án xét xử sơ thẩm của tòa tuyên: Buộc Golden Lotus phải giao tài sản gắn liền với đất (mặt bằng 27-33 Phạm Ngọc Thạch và 208 Pasteur) cho Duy Tân; bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền chia lợi nhuận gần 1,8 tỉ đồng và tiền sử dụng mặt bằng 400 triệu đồng mỗi tháng kể từ ngày 1-1-2022 cho đến khi mặt bằng được giao trả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Duy Tân đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuê (trả tiền thuê đất hằng năm) cho thửa đất nói trên. Công ty này tuyên bố đủ cơ sở pháp lý để theo đuổi vụ tranh chấp tới cùng.
Phía Golden Lotus thì cho rằng hợp đồng nguyên tắc giữa hai bên cần được tuyên vô hiệu do vi phạm về hình thức và nội dung. Do không đồng ý với tòa sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Dự kiến TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vào giữa tháng 4-2022.
Bình luận (0)