Gặp mặt chị, tôi không khỏi ngạc nhiên. Đẹp, sang trọng, ăn nói duyên dáng, chị là bà thầy bói có bằng cấp cao nhất mà tôi được biết: Cử nhân sinh hóa.
Làm thầy bói từ chuyện thất nghiệp
Nhan sắc trời cho của chị là nguyên nhân của nhiều lần thất nghiệp. Lúc thì bị giám đốc ve vãn, khi bị đồng nghiệp ganh tị, nói xấu, rồi bị vợ giám đốc ghen bóng gió làm ầm ĩ ở cơ quan.
Chị thề không đi làm ở bất cứ công ty nào nữa. Ở nhà, nấu si-rô ra chợ bỏ mối, chị sống được vài năm thì không cạnh tranh nổi với các hàng, xưởng quy mô, đành phải cất dụng cụ vào kho.
Một buổi chiều, buồn quá, chị ra lăng Ông Bà Chiểu xin xăm. Một thầy bói vỉa hè chào mời. Chị ngồi xuống, chìa tay ra.
Thầy nói về quá khứ chả điều nào đúng cả, nhưng chị cứ vui dần lên vì những lời đoán tương lai: "Số cô ăn sung mặc sướng. Bây giờ chưa phất lắm đâu, vài năm nữa sẽ giàu bất ngờ, lắm người chầu chực...". Xong quẻ bói, chỉ mất hai chục ngàn đồng. Số tiền khá lớn với một người thất nghiệp, nhưng chị không thấy tiếc, chị thấy thư thái và vui vẻ.
Chị cười to: "Thế là tớ đi mua một lô sách nghiên cứu tướng mạo, chỉ tay, bói bài về... học thuộc lòng. Mười ngày sau, tớ bói thử cho mấy người trong xóm. Cũng lạ. Toàn được khen là... đúng. Thế là một đồn trăm, tớ thành thầy bói như vậy đấy".
Chị hạ giọng: "Một hôm, tớ nằm mơ, thấy mình là... tiên nữ, con Bà Chúa Mẫu ở trên trời, mắc đọa xuống trần gian. Thế nên, chả làm được việc gì ngoài chuyện nói ra mệnh trời! Chứ gì nữa, tớ chỉ cần liếc một cái là biết rõ số mệnh của người ngồi trước mặt. Muốn thử không? Chìa tay ra xem nào!".
Nghe giọng cười lanh lảnh của chị thấy cũng có vẻ giống... ở trên trời lắm, tôi liền đưa tay ra.
Có gan nói mò sẽ thành thầy bói!
Hai hôm sau, với một lô sách bói bài, xem chỉ tay, xem tướng... mượn được của chị, tôi rủ Hằng, một cô bạn thích nghịch, thí nghiệm nghề làm thầy bói.
Hằng đi thì thầm với mọi người trong xóm rằng có một cô em bị... té giếng hồi nhỏ, lớn lên, đột nhiên cứ cầm tay người khác là nói chính xác đủ chuyện quá khứ, tương lai. Lần này, cô về chơi có hai ngày. Ai muốn biết đời mình ra sao, đến mà xem gấp. Chỉ cần đem... trái cây tới thôi, cô chẳng lấy tiền đâu.
Chỉ một tiếng sau, khi hai chúng tôi đang ngồi ăn bún riêu, có hai bà thập thò gõ cửa. Trên tay lủng lẳng hai bọc... cóc.
Hằng giới thiệu, bà áo xanh là "cô Tâm bán chạp phô đầu chợ". Còn chị áo tím là "bác Bảy cạo gió giác hơi".
Cô Ba (vâng, tôi là cô Ba đấy), cầm tay bác Bảy, khẽ hắng giọng: "Chà, sao mà bác cực thế? Bôn ba lo cho gia đình suốt đời. Tính hiền, hay làm phước cho người ta. Về già con cháu phụng dưỡng hiếu thảo lắm. Nhưng mà cẩn thận đó, nhất là chuyện dầu, đèn.
Bác bảy xanh mặt: "Trời, sao cô nói đúng ghê luôn? Mới hôm qua làm phỏng một bà khách. Bả chửi quá trời!". Chiếc gương trên tường phản chiếu hình ảnh Hằng đang cố nín cười.
Cô Tâm sốt ruột: "Còn tui sao, cô Ba?".
Cô Ba phán: "Năm ngoái xất bất xang bang một thời gian nè. Vốn liếng đổ qua chuyện khác mà cũng không khá. Đang tính đổi nghề chứ gì? Đổi được đó".
Cô Tâm xuýt xoa: "Mèn ơi. Năm ngoái dịch cúm gà bị hốt mấy nghìn trứng, muốn tự vẫn luôn. Bỏ ra bán xôi mặn mà đâu có được. Không phải nghề, nấu không ngon... Mấy đứa con đòi sang sạp, bán trái cây mà tui chưa ưng. Giờ cô Ba biểu được là tui nghe liền".
Một nghề kiếm tiền khỏe nhất thiên hạ
Từ 4 giờ chiều tới 7 giờ tối, "cô Ba" có tổng cộng 12 người khách, thu nhập được 12 túi trái cây, tương đương với 120.000 đồng.
Nếu tính mỗi ngày cô Ba hành nghề 6 tiếng, mỗi tháng 26 ngày, cô Ba sẽ kiếm được khoảng 4 triệu đồng. Một con số mà nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà nước không mơ thấy nổi!
Đó là khi bạn tính mỗi quẻ bói chỉ có 10.000 đồng. Theo tôi biết, giá xem bói thường từ 20.000 đồng trở lên. Có thầy đặc biệt, nhà ở Nguyễn Trãi - TPHCM, "cạc-vi-dít" đề "giáo sư", tính 200.000 đồng/quẻ, chỉ phán đúng 5 câu. Mỗi ngày, giáo sư chỉ cần có ba người khách là đã có thể ẵm gọn 18 triệu đồng/tháng rồi. Thật chưa có nghề nào khỏe hơn!
Ở chợ Phú Nhuận - TPHCM, có bà thầy bói mù nổi tiếng xem chỉ tay rất giỏi. Đúng thế! Mù mà xem được chỉ tay (!?). Đã nhiều năm rồi, mỗi sáng bà ngồi hành nghề ở chợ này. Chiều, bà lại dời đô sang chợ An Đông. Mỗi quẻ xem có giá 80.000 đồng. Nghe bạn hàng trong chợ kháo nhau rằng, với nghề xem chỉ tay, bà xây được hai căn nhà mấy tầng lầu để cho thuê. Mỗi tuần, bà đến ngân hàng một lần để gửi tiền vào tài khoản.
Việc bà ngồi xem chỉ tay ngày này sang ngày khác ở chợ Phú Nhuận dễ gì công an không biết? Thế nhưng họ chỉ nhắc nhở rồi bỏ qua.
Chị Út Lan, bán giò chả ở chợ Phú Nhuận, nói: "Người tàn tật có nghề để kiếm ăn như vậy còn tốt hơn những người lành lặn mà trộm cắp, cướp giật, ăn xin. Vả chăng, người ta bỏ tiền ra một cách vui vẻ để được bà xem chỉ tay, đâu có ai khiếu nại bà lường gạt mà bắt bớ, cấm bà không được làm?".
Trong một con hẻm ở đường Lý Chính Thắng - TPHCM, có bà thầy chuyên xem khói nhang đoán vận mệnh. Khách của bà thường phải hẹn trước và toàn là... người nổi tiếng. Ngồi với bà hai mươi phút, có khoảng hai mươi cuộc điện thoại gọi đến. Nghe bà vồn vã: "Ủa, T. đó hả em? Tính ra đĩa mới hả? Ờ, để chị coi. 14 giờ em tới nghe. Không được, 13 giờ chị hẹn N.H rồi...". Toàn các "sao" không à, dễ nể thật.
Vì thế, tôi phải chi 50.000 đồng để nghe bà phán: "Tuổi này tới già vẫn còn cực. Thấy khói nhang không? Bay lòng vòng hoài, không chịu thẳng đây nè. Nhớ đi cắt mắt để hậu vận khá hơn!".
Tại sao nghề bói toán không thể xóa sạch?
Sau hai ngày làm thầy bói và một tuần đi xem bói, tôi rút ra được kết luận: Khi con người đang tuyệt vọng hoặc mất phương hướng trong cuộc sống, họ thường trông mong có một ai đó động viên, gieo cho họ niềm hy vọng.
Có cầu thì phải có cung, thầy bói là người nắm được tâm lý đó và luôn nói chuyện "tiền hung, hậu kiết" với khách hàng.
Đúng hay sai chưa biết, nhưng cứ nghe chữ "hậu kiết" là yên tâm rồi. Bỏ ra vài chục nghìn mua lấy niềm tin là quá rẻ. Bởi thế, cái nghề... "nói thánh, nói tướng" này chưa thể dẹp tận gốc là vậy!
Bình luận (0)