Anh Trần Trung Ngọc (ngụ tỉnh Thái Nguyên) cho biết khoảng 21 giờ 36 phút ngày 26-3, ô tô do anh điều khiển đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì bất ngờ bị viên gạch lao vào kính chắn gió phía trước.
Nỗi ám ảnh
Theo anh Ngọc, viên gạch đâm thủng kính chắn gió rồi rớt vào trong xe. “Thời điểm viên gạch đâm vào kính chắn gió, tôi đang chạy xe với tốc độ cao nên đã gây ra tiếng động rất lớn. Lúc đó, trên xe có vợ và con tôi nên mọi người rất hoảng sợ” - anh Ngọc nói.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, anh Ngọc dừng lại để kiểm tra thì phát hiện một chiếc taxi cũng bị ném gạch vào nóc xe. Thấy vậy, anh Ngọc điều khiển ô tô đến một tổ công tác CSGT gần đó trình báo vụ việc.
“Tôi nghi ngờ có người đã ném gạch vào các xe đi trên cao tốc này. Hành động trên là rất nguy hiểm, có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Sáng 27-3, tôi đã đi trình báo Công an thị xã Phổ Yên về vụ việc” - anh Ngọc thông tin.
Ông Lại Huy Xuân, Phó Giám đốc Công ty 238, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cho biết đang phối hợp với Công an thị xã Phổ Yên làm rõ đối tượng ném đá ô tô chạy trên đường cao tốc.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hành vi ném đá vào ô tô trên cao tốc. Trong mấy năm gần đây, tình trạng một số đối tượng dùng gạch, đá ném vào ô tô đang lưu thông trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng làm vỡ kính chắn gió, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông diễn ra khá nhiều.
Ngày 3-12-2016, một ô tô chở khách từ Lào Cai về Hà Nội, khi đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai địa phận TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bất ngờ bị một hòn đá do ai đó ném thẳng vào kính phía trước. Theo tài xế, thời điểm xảy ra sự việc, chiếc xe chạy tốc độ gần 100 km/giờ. Cú ném tuy chưa gây ra tai nạn và chỉ làm vỡ kính trước ô tô nhưng đã khiến những hành khách một phen khiếp vía.
Còn tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa phận huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, chỉ trong tối 13-5-2016 đã liên tiếp xảy ra 5 vụ ném đá vào ô tô làm vỡ kính, vỡ gương, xước sơn. Sau đó, cơ quan công an xác định nhóm gây ra 5 vụ ném đá này là 4 thiếu niên ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, thời gian qua, trên nhiều tuyến đường trong cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng ném đá vào ô tô gây bức xúc dư luận. “Dù việc ném đá có thể do trẻ con nghịch ngợm hoặc sự cố ý của người dân nhưng vẫn là hành vi rất nguy hiểm, phải nghiêm trị” - ông Thái nhấn mạnh.
Tùy mức độ mà xử lý
Liên quan đến vụ ném gạch gây thủng kính ô tô trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vừa qua, chiều 27-3, ông Nguyễn Trọng Thái đã ký công văn gửi Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm.
“Ném gạch, đá vào các phương tiện tham gia giao thông là hành vi vi phạm trật tự, ATGT nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của các đối tượng, gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt trên đường cao tốc khi các phương tiện lưu thông với tốc độ cao” - ông Thái nói.
Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo lực lượng công an khẩn trương điều tra, xác minh rõ thông tin như báo chí nêu, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng vi phạm; đồng thời chỉ đạo cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh phối hợp với Cục Quản lý đường cao tốc, Cục CSGT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT cho người dân sinh sống dọc tuyến đường cao tốc, xử lý nghiêm hành vi ném đá, phá hoại các công trình trên đường cao tốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá việc ném đá vào các phương tiện lưu thông là hành vi vô cùng nguy hiểm. “Tùy từng tính chất, mức độ của thiệt hại, sự nhận thức đối với hành vi là cố ý hay vô ý của người ném đá vào phương tiện giao thông. Trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra có thể xử lý về các tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Vô ý làm chết người” theo quy định của Bộ Luật Hình sự” - luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư Tuấn Anh, nếu ném đá vào ô tô gây thiệt hại tài sản từ 5 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác” theo điều 143 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp hành vi đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt hại về tài sản lên tới 500 triệu đồng thì mức án cao nhất mà người phạm tội phải đối mặt là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng...
“Trường hợp hành vi gây thiệt hại không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện sẽ bị xử lý theo các biện pháp hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, trong trường hợp này, người thực hiện hành vi ném đá vào ô tô còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất gây ra” - luật sư Tuấn Anh phân tích.
Bình luận (0)