Chúng tôi gặp lại ông Trương Bá Nhàn, người nổi tiếng bất đắc dĩ với dấu vân tay oan nghiệt và gần 4 năm bị giam oan trong một vụ án giết người (Báo Người Lao Động từng có nhiều bài viết về nhân vật này), vào một ngày đầu tháng 3-2022, sau 7 năm ông được VKSND TP HCM bồi thường oan sai.
Nơi ở của ông Nhàn bây giờ là chốt bảo vệ của một công ty kinh doanh thiết bị năng lượng mặt trời đóng tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Do thông cảm với hoàn cảnh của ông, công ty đã tạo điều kiện để ông làm việc và sinh sống tại đây.
Từng mong được ra tòa
Ngồi bên ly cà phê, nói về những biến cố của đời mình, ông Nhàn không ít lần xúc động mạnh. Ông kể trước năm 2001, ông có cuộc sống khá dư dả, là trụ cột gia đình, nơi nương tựa của cha mẹ. Tháng 12-2001, người chị dâu của ông ở quận Tân Bình, TP HCM bị sát hại, một lượng lớn vàng bị cướp đi. Ông bỗng trở thành nghi phạm khi chưa kịp đăng ký kết hôn với người phụ nữ đang mang trong mình giọt máu của ông.
"Tuổi già sức yếu, cha vẫn lặn lội từ Bình Phước về TP HCM thăm nuôi suốt bao năm tôi bị giam. Năm 2010, cha tôi mất khi chưa kịp chứng kiến ngày tôi được rũ bỏ những oan khuất" - ông Nhàn nghẹn ngào.
Kể về những tháng ngày đó, ông Nhàn nói ngắn gọn: "Thật sự kinh khủng". Theo ông, dù biết "cây ngay không sợ chết đứng", mình không làm thì sẽ được chứng minh vô tội nhưng tinh thần và thể lực đều suy sụp, mỗi ngày trong nhà giam là một ngày dài đằng đẵng.
"Trong các buổi hỏi cung, tôi liên tục kêu oan nhưng không được chấp nhận. Đến lúc có cáo trạng truy tố ra tòa với tội "Giết người", "Cướp tài sản", tôi… mừng rơn. Anh biết vì sao không? Là vì nếu ra tòa, tôi được công khai, thoải mái trình bày nỗi oan ức của mình. Tôi nôn nao, khấp khởi, hy vọng… " - ông Nhàn kể.
Ông Trương Bá Nhàn lặng người khi nhớ về câu chuyện đời mình
Nặng món nợ ân tình
Sau hơn 3 năm 8 tháng bị tạm giam với 3 lần có giấy triệu tập của tòa nhưng không thể đưa ra xét xử, năm 2006, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM trả tự do và ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn vì "hết thời hạn điều tra mà chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội". Được tự do, ông mất thêm gần 9 năm chật vật nữa để đòi lại danh dự và những tổn thất vật chất. Một sáng đọc báo, ông chú ý thông tin của Văn phòng Luật sư Người nghèo. Vừa ấn tượng bởi cái tên đầy thông điệp chia sẻ vừa như có gì mách bảo, ông quyết định tìm đến và được các luật sư tận tình đồng hành, giúp đỡ miễn phí.
"Cứ cuối tuần là tôi bắt xe đò đi TP HCM, ngủ lại nhà trọ ở Bến xe Miền Đông với giá 50.000 đồng/đêm rồi sáng dậy đến văn phòng luật sư để được hướng dẫn hoặc trực tiếp đến các cơ quan chức năng gửi đơn. Tuần nào cũng vậy, đằng đẵng nhiều năm đến nỗi người ở bến xe quen mặt. Tôi chờ đợi ngày được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành, công khai và được khôi phục lại những quyền lợi mình đáng được hưởng nhưng có lúc gần như vô vọng. Tôi đã từng mệt mỏi đến mức muốn từ bỏ nhưng những thống khổ của kẻ mang tội danh "Giết người", "Cướp tài sản" vẫn cứ mãi đeo bám, ám ảnh và thôi thúc tôi làm tất cả những gì có thể để đòi lại những thứ vốn thuộc về mình" - ông Nhàn nói.
Giữa năm 2015, ông được VKSND TP HCM xin lỗi công khai, bồi thường hơn 290 triệu đồng cho 1.346 ngày ngồi tù oan và sau 9 năm đi đòi công lý. Trả nợ hơn 100 triệu đồng, số tiền còn lại, ông Nhàn đem lên Đắk Lắk tính chuyện làm ăn. Nhưng rồi cả 3 lần thuê đất trồng cây và thua lỗ, ông trắng tay.
Không còn đồng vốn nào, ông Nhàn đi nhiều nơi làm thuê. Cuối năm 2019, ông xin vào làm công nhân bốc vác tại một công ty thì đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 nên chủ cắt giảm nhân công, ông bị cho thôi việc. Trở về nhà người bạn, ông Nhàn canh tác nhờ trên đất của bạn trước khi trở thành bảo vệ như hiện nay.
Trong suốt buổi nói chuyện, ông Nhàn nhắc đi nhắc lại món nợ ân tình với bạn bè, người thân, một số luật sư, nhà báo, đặc biệt là một số đại biểu Quốc hội đã có tiếng nói về vụ việc của ông. "Họ là những người đã lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành với tôi trong hành trình đi tìm công lý. Tôi giờ dù khó khăn nhưng không nợ ai về tiền bạc, chỉ có món nợ lớn nhất là ân tình đối với những người đã quan tâm, giúp đỡ tôi vượt qua kiếp nạn". Im lặng một lát, ông Nhàn nhìn xa xăm nói tiếp: "Nguyện vọng của tôi bây giờ là được hiến tạng sau khi chết… Tôi hy vọng phần cơ thể của tôi sẽ cứu được nhiều người, đó cũng là cách để trả món nợ ân tình và để lại phước đức cho con trai tôi".
Khóe mắt người cha từng bị tù oan khi con trai chưa ra đời bỗng ngấn nước. Đã rất lâu rồi, ông chưa gặp mẹ con họ.
Dấu vân tay oan nghiệt
Tháng 12-2001, một vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra trên địa bàn quận Tân Bình, TP HCM. Qua khám nghiệm, công an phát hiện dấu vân tay trùng khớp với vân tay của ông Nhàn trong hộc tủ đựng tiền của nạn nhân. Ông Nhàn khai nạn nhân có mối quan hệ bà con, một tuần trước khi xảy ra vụ án, ông được nhờ đến kê lại tủ nên để lại dấu vân tay.
VKSND TP HCM sau đó ra cáo trạng truy tố ông Nhàn về tội "Giết người", "Cướp tài sản" và chuyển hồ sơ sang TAND TP HCM để xét xử. Tuy nhiên, nhận thấy vụ án còn nhiều điều chưa được làm rõ, tòa án trả hồ sơ để điều tra lại.
Tháng 6-2006, Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn. Đến ngày 11-8-2015, VKSND TP HCM đã tổ chức buổi xin lỗi công khai cho ông Trương Bá Nhàn tại UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM - nơi ông Nhàn từng cư trú khi bị bắt oan.
Bình luận (0)