Ông tên là Phạm Nguyên Thủy (tên gọi khác là Đỗ Văn Thủy; SN 1961; ngụ ấp Huê 2B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), bị Công an huyện Vĩnh Lợi (nay là huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bắt giam vào ngày 11-8-1985 vì nghi can tội giết người. Đến ngày 20-3-1987, căn cứ theo Quyết định miễn tố ngày 18-3-1987, ông Phan Trường Giang, Trưởng Công huyện Vĩnh Lợi, đã ký lệnh tha đối với ông Thủy.
Đang cày ruộng thì bị bắt
Rút ra tờ giấy ngả màu vàng ố được ép plastic cẩn thận với 2 chữ "Lệnh tha" in đậm trên dòng đầu, ông Thủy bật khóc, kể về bi kịch của đời mình.
Ngày đó, ông Thủy đang sống êm ấm cùng vợ và con trai 2 tuổi ở ấp 16, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải (nay là ấp An Nghiệp, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). "Trong lúc tôi đang đi cày ruộng thuê ở ấp Chống Mỹ, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thì bất ngờ bị Công an huyện Vĩnh Lợi và tỉnh Minh Hải đến bắt vì cho rằng tôi có liên quan đến cái chết của một thiếu niên ở quê nhà. Lúc đó cha, vợ, em gái và anh rể tôi cũng bị công an tạm giữ để điều tra. Hai con trâu và 15 công đất ruộng là tất cả sinh kế của gia đình tôi cũng bị tạm giữ" - ông Thủy kể.
Ông Thủy với lệnh tha mà ông cố gắng gìn giữ, bảo quản suốt 34 năm
Cũng theo ông Thủy, do con nhỏ quấy khóc, vợ ông được cho về sau vài ngày hỏi cung; em gái ông bị giữ lại phụ bếp một thời gian; cha ông, anh rể ông cũng được cho về sau vài tháng không khai thác được gì. Đồng thời Công an tỉnh Minh Hải giải quyết cho gia đình ông Thủy nhận lại 2 con trâu và 15 công đất ruộng. Riêng ông Thủy tiếp tục bị tạm giam tại trại giam Công an huyện Vĩnh Lợi. "Tôi bị liệt vào tội phạm đặc biệt nên bị cùm cả tay và chân. Cứ vài ngày, tôi lại bị đưa lên hỏi cung, buộc khai nhận tội nhưng tôi biết gì mà khai? Tôi phải chịu đựng suốt hơn 19 tháng như vậy mới được tha về" - ông Thủy kể.
Ngày ông Thủy được trả tự do, gia đình không hay biết để ra đón. Đứng trước ngôi nhà tranh quen thuộc, ông khuỵu xuống khi nhận ra nhà mình đã có chủ khác. Người quen cho biết lúc ông bị bắt giam, cuộc sống quá bế tắc nên vợ ông đưa con về nương nhờ bên ngoại, ruộng đất và nhà đã bán hết. Buồn bã, ông về tá túc nhà cha mẹ. "Hôm sau, tôi ra xã xin đổi tên từ Đỗ Văn Thủy thành Phạm Nguyên Thủy bởi muốn làm một người hoàn toàn mới, xóa sạch quá khứ đau buồn. Họ Phạm là họ của cha ruột tôi" - ông Thủy cay đắng.
Mòn mỏi chờ được minh oan
Hiện cuộc sống của ông Thủy rất chật vật, nghèo khổ. Ông sống với người vợ sau trên phần đất gia đình bên vợ cho mượn ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long. "Ra tù, tôi không gặp lại vợ con vì mặc cảm và cũng không còn gì để lo được cuộc sống cho hai mẹ con nên khoảng cách cũng xa dần. Điều tôi trăn trở suốt 34 năm nay là hy vọng một lần được minh oan. Dù tôi được trả tự do nhưng chưa có một lời xin lỗi hay công bố từ cơ quan có thẩm quyền nên tôi vẫn mang tiếng là một người từng bị bắt vì tình nghi giết người. Trong khi hung thủ gây ra cái chết cho con ông hàng xóm đến giờ vẫn chưa tìm ra" - ông Thủy nói rồi lầm lũi dắt chiếc xe đạp rời đi cùng xấp hồ sơ để tiếp tục cuộc hành trình minh oan.
Suốt 34 năm qua, ông vẫn miệt mài đi tìm lại sự trong sạch của mình với chiếc xe đạp cà tàng như thế.
Ông đã gửi đơn yêu cầu được minh oan đến nhiều cơ quan chức năng địa phương và trung ương nhưng chưa cơ quan nào giải quyết. Ngày 13-11-2020, đại tá Lê Minh Hải, Trưởng Công an huyện Hòa Bình, có văn bản thông báo cho ông Thủy về việc đã chuyển đơn của ông đến VKSND cùng cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, ngày 19-11-2020, Viện trưởng VKSND huyện Hòa Bình chuyển đơn lại cho Công an huyện Hòa Bình xem xét, giải quyết.
Giấy chuyển đơn qua lại giữa công an và VKSND huyện Hòa Bình
"Theo quy định pháp luật, đơn ông Phạm Nguyên Thủy xác định Công an huyện Hòa Bình đã bắt giam ông là oan, gây thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần cho ông thì ông có quyền yêu cầu cơ quan đã gây thiệt hại để xem xét giải quyết (tài liệu chứng minh ông Phạm Nguyên Thủy được Công an huyện Vĩnh Lợi ra lệnh tha)..." - văn bản của viện trưởng VKSND huyện Hòa Bình nêu rõ.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã 2 lần trực tiếp đến Công an huyện Hòa Bình để liên hệ nắm thông tin về tiến trình xử lý đơn yêu cầu minh oan của ông Thủy. Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan này yêu cầu phải gửi văn bản và sẽ trả lời bằng văn bản.
Trách nhiệm của Công an huyện Vĩnh Lợi
Theo luật sư Lê Thanh Thuận, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, trường hợp của ông Thủy đã được chứng minh oan sai bằng quyết định miễn tố và lệnh tha của Công an huyện Vĩnh Lợi thời điểm năm 1987, việc còn lại là trách nhiệm minh oan cho ông Thủy của đơn vị này.
"Theo quy định của pháp luật, nếu chứng minh cá nhân gây oan sai thì cá nhân đó bồi thường và xin lỗi công khai, nếu tổ chức sai thì tổ chức bồi thường và xin lỗi công khai đối với ông Thủy" - luật sư Lê Thanh Thuận cho biết.
Bình luận (0)