Sáng nay 11-8, tại trung tâm văn hoá huyện ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1935, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Gần 9 giờ, ông Trần Văn Thêm được người nhà và luật sư đưa đến trung tâm văn hoá huyện - nơi ông được minh oan sau quãng thời gian đằng đẵng mấy chục năm đi tìm công lý.
Ông Trần Văn Thêm được người nhà và luật sư hỗ trợ đi lại đến trung tâm văn hoá
Người đàn ông 81 tuổi mắt đã kém, chân đã run, tai đã lãng được người nhà dìu đi từng bậc thang trong vòng vây báo chí để lên đầu sân khấu, nơi chỉ ít phút nữa, những cơ quan hàm oan cho ông sẽ công khai xin lỗi.
Đêm qua, ông Thêm không ngủ được mấy vì hồi hộp chờ đợi giây phút này. Ông và người nhà đã phải đợi gần nửa thế kỷ. Đã quá lâu, tới mức gần như không còn hy vọng nữa. Ông kể lại các chi tiết rời rạc, chủ yếu là về nỗi khổ của mình khi đi xin lại giấy tờ chứng minh mình đã từng phải chịu án.
Nhiều người dân cũng kéo đến chúc mừng ông và gia đình đã lấy lại được sự trong sạch. Nhiều người nói, không phải đợi đến giờ mới biết ông vô tội. Đây được coi là vụ án hi hữu kéo dài suốt gần nửa thế kỷ của ông Thêm khi ra tù ông vẫn phải mang thân phận của tử tù.
9 giờ 15 phút, lễ công bố chính thức diễn ra.
9 giờ 15 phút, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ bị can. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm.
“Đây là 1 văn bản pháp lý của 1 cơ quan có thẩm quyền tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn”- Thiếu tướng Vũ Quang Hưng nói và trao quyết định này cho ông Trần Văn Thêm. Sau đó, Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an, tặng hoa cho ông Trần Văn Thêm.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định cho ông Trần Văn Thêm
Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an, tặng hoa cho ông Trần Văn Thêm
9 giờ 20, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, đọc lời công khai xin lỗi:
“Hôm nay đại diện cho cơ quan tố tụng là TAND cấp cao tại Hà Nội (trước đây là TAND Tối cao), VKS cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn thêm và gia đình theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là 1 bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án.
Ngay sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện đúng quy định về Luật bồi thường của nhà nước, công khai đăng trên thông tin báo đài và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi mong ông Thêm và gia đình thông cảm sâu sắc, chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông".
9 giờ 30 phút, trong lời phát biểu của mình ngay sau khi được xin lỗi, ông Trần Văn Thêm nói: “Xin cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND. Chúng tôi biết ơn ông Bùi Văn Hoà, phó Chánh án TAND Tối cao, và lãnh đạo công ty Luật Hoà Lợi đã không quản ngại khó khăn vất vả để tìm lại bản án, nhân chứng làm chứng cứ để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết oan sai cho tôi thì mới có được ngày hôm nay.
Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây.
Khung cảnh náo loạn tại hội trường khi buổi xin lỗi vừa kết thúc
Đến 9 giờ 35 buổi lễ xin lỗi công khai chính thức kết thúc. Ngay lập tức, người thân của gia đình ông Trần Khắc Văn lớn tiếng yêu cầu: "Phải công bố ai là người giết bố tôi? Tại sao không công bố để hai gia đình bất hoà bao nhiêu năm?". Tuy nhiên, đại diện của ban tổ chức cho rằng trong buổi hôm nay không giải quyết nội dung này. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải vất vả mới vãn hồi được trật tự.
Vừa qua, liên ngành tư pháp mới thống nhất đi đến kết luận đối với vụ án ông Trần Văn Thêm, cấp sơ thẩm đã khởi tố, truy tố về tội giết người tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ, vào năm 1970 là oan sai. Do đó, các cơ quan thi hành tố tụng phải công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi với ông Trần Văn Thêm.
Sau đó, ông Trần Văn Thêm sẽ được bồi thường theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước.
Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Văn Thêm và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen. Đêm 23-7-1970, hai anh em vào ngủ tại một lều cắt tóc thì bị cướp tấn công.
Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau đó, ông Thêm đã bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Tháng 8-1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8-1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại toà, ông Thêm liên tục kêu oan.
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác. Về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm.
Trở về nhà, ông Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình.
Đáng chú ý, hồ sơ vụ án trong tay ông Thêm không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến xử án, kể cả cáo trạng hay bản án hai phiên tòa kết tội ông. Từ năm 2014, TAND Tối cao mới trích lục được 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của ông Nguyễn Văn Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh và đã yêu cầu các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương phối hợp giải quyết.
Bình luận (0)