Tôi đến tìm bà sau khi phiên tòa chiều 7-1 bị hoãn (Báo NLĐ ngày 7 và 8-1 đã thông tin). Căn nhà xập xệ, tăm tối nằm sâu trong hẻm 100 đường Cô Bắc, quận 1 – TPHCM - một “điểm nóng” về ma túy. Thấy cửa nhà mở sẵn, tôi thò đầu nhìn vào và giật mình trước tiếng ú ớ phát ra từ một thân người nằm co quắp, dặt dẹo trên chiếc bệ xi măng chiếm gần 1/2 diện tích khiêm tốn (2 m x 4 m) của căn nhà. Nghe tôi hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Nở (SN 1950) từ trên gác theo chiếc thang gỗ ọp ẹp đi xuống, vồn vã mời vào nhà khi tôi tự giới thiệu: “Hôm trước cháu gặp cô trên tòa trong phiên xử bé Tý (Trương Thị Kim Hoàn- SN 1984”. Nhưng liền ngay sau đó, bà tỏ ra lúng túng vì không biết phải mời khách ngồi vào đâu: “Nhà chật quá, cô thông cảm. Tối tôi toàn đút đầu vào ông táo mà ngủ thôi (bếp cũng là chỗ ngủ)”. Vậy là, bà ngồi nép trên bệ xi măng đút từng miếng bánh mì (đã được cho vào một ít nước để bánh nở mềm, dễ nuốt) cho cô con gái lớn bị bại liệt, tâm thần; còn tôi ngồi ở bậc thang gỗ bé tẹo, bắt đầu câu chuyện về gia đình bà và cuộc hành trình đi kêu oan cho bé Tý.
Bà Nguyễn Thị Nở đang đút cho đứa con tật nguyền ăn
Bà theo chồng về sống ở con hẻm này đã gần 40 năm. Cuộc sống nghèo nàn, thiếu trước, hụt sau khiến vợ chồng bà lăn lưng ra làm đủ mọi nghề để nuôi bầy con 6 đứa (gồm 3 trai, 3 gái), trong đó có đứa con gái lớn bị tâm thần và bại liệt từ khi mới lên 2 cho đến nay đã 39 tuổi. Không ít lần đồng lương bảo vệ của chồng và tiền bán buôn vặt vãnh ngoài chợ không đủ đóng tiền học cho con, bà giấu chồng ra chợ Cầu Ông Lãnh kéo xe đẩy hàng cho người ta, “đua” với đám thanh niên trai tráng. Có người nhìn thấy nói với chồng bà, ông không tin: “Cái thân bả mà kéo hàng cái nổi gì!”. “Cho đến bây giờ ổng cũng không biết tôi từng làm công việc nặng nhọc đó ”- bà cười xòa.
Hoàn là con gái út, học hết lớp 10 thì nghỉ vì thường xuyên bị nhức đầu do viêm xoang. Cả nhà đi làm, có người đã ra riêng và ở xa nên Hoàn được “đặc cách” ở nhà chăm sóc người chị tật nguyền. Một ngày cuối tháng 8-2004, Hoàn bị công an phường mời lên làm việc, sau đó bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy. Công an ập vào nhà khám xét, lục tung tất cả đồ đạc vẫn không tìm thấy chút gì liên quan đến heroin. Vì thế bà càng tin con mình vô tội cho đến khi TAND quận 1 tuyên Hoàn 10 năm tù. Bàng hoàng, bà lên công an quận kêu oan cho con nhưng lại nhận được câu trả lời: “Con bà phạm tội là có căn cứ”. Chữ nghĩa lõm bõm lại càng mù tịt về pháp luật nhưng vì con, bà gõ cửa khắp các nơi “có liên quan đến pháp luật”, từ báo chí đến công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra TP, thậm chí cả những cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND. Được hướng dẫn đến TAND quận 1 xin bản án sơ thẩm, bà đem về, khó nhọc đọc từng con chữ. Càng đọc càng u u mê mê, không tài nào hiểu được những từ ngữ liên quan đến pháp lý. Cầm bản án lên một tòa soạn báo để hỏi, bà “sáng” ra một điều: Người ta chỉ dựa vào lời khai một phía mà buộc tội con bà. Phải kêu Hoàn kháng cáo thôi. Nhiều người nói với bà như vậy. Nhưng thời hạn kháng cáo chỉ trong vòng 15 ngày, làm sao gặp Hoàn mà nói được? Bà lại lên VKSND TPHCM để hỏi và được trả lời: “Đã chuyển hồ sơ lên cấp trên giải quyết vì vụ án phức tạp”. Lại về chờ đợi để rồi cuối cùng nhận được thư trả lời: “Trương Thị Kim Hoàn phạm tội nhiều lần. Khiếu nại của bà là vô căn cứ”. Không cam tâm, bà tiếp tục gõ cửa các tờ báo, gởi đơn lên Thanh tra Chính phủ, TAND TPHCM. Ban ngày làm việc quần quật, đêm về bà chong đèn đến 1, 2 giờ sáng viết đơn kêu oan cho con. Việc này cũng chỉ một mình bà làm, vì “tôi viết chữ xấu, nguệch ngoạc, mắt lại không tỏ nhưng tôi không dám đưa người ta đánh máy, sợ họ viết không đúng ý mình”. Thấy bà cực khổ như thế, chồng và các con không đành, khuyên bà buông xuôi. Thậm chí Hoàn cũng bảo mẹ thôi đi vì “mong manh quá má ơi!”. Nhưng bà kiên quyết: “Nếu con thực sự có tội, má sẽ khuyên con cố gắng cải tạo tốt. Nhưng chuyện không phải vậy, má phải đi đến cùng. Má không cam tâm nhìn con gái má bị hàm oan”. Hai tuần sau, bà có được bản kháng nghị và thấy yên tâm hơn khi đọc đến đoạn kết luận. Thế rồi mấy tháng sau bà nhận được quyết định hủy án. Chỉ đến lúc này bà mới biết như thế nào là mừng vui khi lên thăm con. “Mỗi lần đi thăm Hoàn, tôi toàn kể chuyện vui trong nhà để nó bớt buồn, dù lòng đau như cắt vì thương con. Bước chân ra khỏi trại giam, nước mắt tự nhiên tuôn trào...”- bà khẽ khàng nói. Sau đó, TAND TPHCM lại một lần hủy bản án cho đến ngày 16-12-2008, phiên tòa sơ thẩm lần 3 được mở ra và phải tiếp tục hoãn.
“Nếu con thực sự có tội, má sẽ khuyên con cố gắng cải tạo tốt. Nhưng chuyện không phải vậy, má phải đi đến cùng. Má không cam tâm nhìn con gái má bị hàm oan”. |
Tôi lại hỏi bà suốt cuộc hành trình kêu oan kéo dài hơn 4 năm, có bao giờ bà tuyệt vọng, nhất là khi Hoàn đang thi hành án? Im lặng một lúc bà chùn giọng: “Cũng có lúc tôi gần như đuối sức trước ánh mắt nghi ngờ, lạnh lùng của không ít người khi họ nhất mực cho rằng con tôi phạm tội. Nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến sự quan tâm của những người chòm xóm tốt bụng; sự giúp đỡ nhiệt thành, không vụ lợi của luật sư Trịnh Thanh- người đeo đẳng vụ án này từ khi bắt đầu lần xử sơ thẩm thứ hai, và nhất là niềm tin mãnh liệt con vô tội, tôi lại tiếp tục. Bây giờ thì tôi hy vọng nhiều lắm”.
Chia tay bà, tôi thầm cảm phục sự kiên trì, dũng cảm của một bà mẹ nghèo, ít học, hết lòng vì con. Chính niềm tin mãnh liệt của bà đã buộc những cơ quan tố tụng “chịu nghe” mà xem xét lại vụ án. Cũng cần nói thêm, sống trong vùng “tâm bão” nhưng các con bà không ai “dính” vào ma túy, trừ Hoàn bị kết tội từ lời khai của những người có mâu thuẫn trước đây với cô. Chợt nghĩ, sự thật chỉ có một, nhưng sự thật cũng không dễ tìm nếu người ta không quyết tâm lần đến nơi đến chốn, cho dù đó chỉ là một tình tiết rất nhỏ...
Bình luận (0)