Ngày 24-5, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án phiên sơ thẩm đối với 17 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Các bị cáo tại phiên toà
Theo bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định các bị cáo đã có nhiều hành vi sai phạm như bảo lãnh sai quy định, tạo hợp đồng khống, mua bán lòng vòng gây thiệt hại cho VEAM tổng số tiền hơn 374 tỉ đồng.
"Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm, gây rối loạn thị trường, bức xúc trong dư luận. Việc khởi tố, truy tố, áp dụng hình phạt tương xứng với tội danh là cần thiết. Trong vụ án, các bị cáo thực hiện vai trò phạm tội, với mỗi bị cáo có vai trò, tính chất vi phạm khác nhau" – HĐXX đánh giá
Bản án sơ thẩm đánh giá các bị cáo Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, nguyên kế toán trưởng VEAM; cùng một số bị can khác đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội, còn hỗ trợ cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, có nhiều thành tích trong công tác. Do đó, HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo.
Từ những lẽ trên, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt Trần Ngọc Hà 11 năm tù; Lâm Chí Quang 8 năm tù; Vũ Từ Công 6 năm tù; Đào Quốc Việt, nguyên giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM (Vetranco), 13 năm tù; Trần Quang Tiến, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Nam, 16 năm tù; Ngô Văn Tuyển, nguyên phó tổng Giám đốc, thành viên HĐQT VEAM, 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh nêu trên, 10 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 36 tháng tù treo đến 9 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi, nguyên trưởng Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM, bị tuyên phạt 30 tháng tù treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo hồ sơ vụ án, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%), với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu trực tiếp các loại máy động lực, thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp… Năm 2002, Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM – Vetranco được thành lập là công ty con của VEAM; vốn điều lệ là 12,5 tỉ đồng, trong đó VEAM góp 51%.
Từ năm 2011-2013, Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang, ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng. Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh dẫn đến hông có khả năng trả nợ cho Vetranco. Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỉ đồng. Ngoài ra, khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, giám đốc Vetranco Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Đại Nam vay để hưởng lãi.
Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, bị can Đào Quốc Việt và Trần Quang Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5-2013 đến tháng 8-2013, gây thiệt hại cho Vetranco gần 183 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2014, doanh nghiệp này quyết định đầu tư dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tổng mức 1.488 tỉ đồng. Dự án cần Bộ Công thương đồng ý nhưng trước đó, bị cáo Trần Ngọc Hà, Chủ tịch VEAM, đã ký, chi 56 tỉ đồng mua quyền sở hữu công nghiệp với máy kéo của Công ty ISEKI (Nhật Bản). Tuy nhiên năm 2018, Bộ Công thương ra văn bản yêu cầu không thực hiện dự án. Lúc này, phía VEAM đề nghị ISEKI cho hoàn lại 56 tỉ đồng nhưng không được đồng ý. Khoản tiền này được tính là thiệt hại của VEAM, do Trần Ngọc Hà và cấp dưới gây ra.
Tiếp đó, năm 2015, Trần Ngọc Hà ký thỏa thuận xuất khẩu xe tải tay lái bên phải sang Srilanka. Để sản xuất xe, Hà thuê Công ty T – Kinh (Trung Quốc) thực hiện "phát triển cabin" tay lái ngịch với giá 200.000 USD/mẫu; tiền chỉ được hoàn trả nếu VEAM mua hơn 2.000 linh kiện từ T – Kinh. Sau đó, dự án xuất khẩu ôtô tay lái nghịch không khả thi nên VEAM bị thất thoát 10 tỉ đồng, gồm 400.000 USD đã chuyển cho T – Kinh và gần 1 tỉ đồng tiền thuế.
Trong vụ này, Trần Ngọc Hà bị xác định là nguyên chủ tịch VEAM nhưng đã vi phạm quy chế tài chính trong việc ký bảo lãnh cho Ventraco vay tiền. Bị cáo này còn ký hợp đồng, chuyển tiền cho các đối tác ở Nhật Bản và Trung Quốc khi không đủ điều kiện, dẫn tới thất thoát hơn 66 tỉ đồng.
Bình luận (0)