Ngày 9-7, TAND TP HCM đã hoãn xử vụ đòi bồi thường do danh dự, uy tín bị xâm hại giữa nguyên đơn PTBN với bị đơn TQH (cùng là giáo viên bộ môn ngữ văn thuộc một trường THPT ở quận 2). Lý do hoãn xử là do tòa chưa tống đạt được giấy triệu tập cho bị đơn (có kháng cáo) và người làm chứng.
Đăng Facebook nói cô giáo làm lộ đề thi
Theo hồ sơ, ngày 3-3-2017, ông H. đã đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân với nội dung như sau:
"ĐỀ THI ĐÃ BỊ LỘ...!!
- Học sinh khối 10 của Trường THPT Thủ Thiêm thi môn ngữ văn giữa học kỳ 2 vào chiều thứ Năm (2-3-2017).
- Trọn vẹn đề và lời giải phần đọc-hiểu trong đề thi đã được cô L. và cô N. cho học sinh chép đầy đủ vào tập văn ở những lớp mình dạy vào hai ngày trước khi thi.
- Tổ văn không có ngân hàng đọc-hiểu để học sinh ôn.
- Vụ việc đã được giáo viên trong tổ đưa lên ban giám hiệu giải quyết. Kết quả như thế nào hồi sau sẽ rõ...!!
TAN NÁT...!!"
Trước sự việc trên, bà N. đã thuê Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng. Cho rằng ông H. cố tình bịa đặt, vu khống nên bà khởi kiện yêu cầu ông bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền hơn 30 triệu đồng, xin lỗi bà công khai trên Facebook và trước hội đồng sư phạm nhà trường.
Về phía ông H. thừa nhận có đăng nội dung trên nhưng "đúng như sự thật diễn ra" nên không chấp nhận các yêu cầu của bà N.
Tòa sơ thẩm bác yêu cầu xin lỗi trên Facebook
Tháng 4-2018, TAND quận 2 xử sơ thẩm, nhận định có đủ cơ sở để xác định ông H. chính là người đã đăng tải những thông tin trên lên Facebook. Ông H. không chỉ đăng tải thông tin về việc đề thi bị lộ mà còn khẳng định bà L. và bà N. đã cho học sinh của mình chép đề và lời giải phần đọc-hiểu trong đề thi vào hai ngày trước khi thi. Tuy nhiên, căn cứ vào văn bản của Sở GD&ĐT TP.HCM cùng các tài liệu, chứng cứ khác có cơ sở để xác định không có sự việc lộ đề thi.
Từ đó HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà N., buộc ông H. bồi thường cho bà N. hơn 19 triệu đồng (chi phí lập vi bằng và bồi thường tổn thất về tinh thần). Riêng đối với yêu cầu buộc ông H. phải xin lỗi công khai trên Facebook và trước hội đồng sư phạm nhà trường, theo HĐXX, tại thời điểm xét xử, việc xin lỗi công khai trên trang mạng Facebook chưa được pháp luật quy định về cách thức, thủ tục cũng như các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo cho việc thi hành án nên không chấp nhận. Cạnh đó, ông H. có hành vi xâm phạm danh dự, uy tín đối với bà N. chứ không phải đối với hội đồng sư phạm nhà trường, vì vậy cần buộc ông H. xin lỗi công khai tại nơi làm việc của bà N.
Không đồng tình, ông H. đã kháng cáo.
Chưa có quy định cụ thể
Trao đổi, nhiều chuyên gia cho biết theo Điều 11 BLDS 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người xâm phạm xin lỗi, cải chính công khai, buộc bồi thường thiệt hại.
Vấn đề là việc xin lỗi, cải chính công khai đó thực hiện ở đâu thì BLDS 2015 lại không quy định cụ thể. Trong thực tiễn xét xử, các tòa áp dụng nguyên tắc "bị xúc phạm ở đâu thì xin lỗi ở đó". Ví dụ: Xúc phạm hàng xóm thì buộc xin lỗi tại cuộc họp tổ dân phố, xảy ra ở nơi làm việc thì tổ chức xin lỗi tại nơi làm việc. Tuy nhiên, xúc phạm người khác trên mạng xã hội thì trước nay chưa có tiền lệ là tòa buộc xin lỗi trên mạng xã hội.
Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), Facebook là một trong những mạng xã hội phát triển. Việc thầy giáo đăng trên Facebook xúc phạm cô giáo, từ đó kéo theo việc những thông tin đó được lan truyền trên trang mạng xã hội thì cần phải xin lỗi, cải chính trên Facebook đó mới đảm bảo được quyền nhân thân của người bị xúc phạm. Bởi lẽ việc xin lỗi công khai và đính chính sự việc phải được thực hiện tại nơi xuất phát những thông tin không đúng đó.
Đồng tình, LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) nói: "Trong trường hợp này sai ở đâu thì đính chính ở đó, đăng xúc phạm trên Facebook thì phải xin lỗi, đính chính trên Facebook. Bởi lẽ thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp đăng tải nội dung không đúng trên Facebook, sau đó chủ tài khoản đã chủ động xin lỗi, cải chính trên Facebook của mình. Vì vậy, việc thi hành án là bình thường".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên xử phúc thẩm.
Buộc xin lỗi tại cơ quan thi hành án
TAND quận 2 từng xử một vụ kiện tương tự. Cụ thể, sau khi chia tay, bà NT phát hiện ông TGN (ngụ quận 2) đăng trên Facebook của ông bốn hình nhạy cảm của bà, kèm nhiều thông tin thô tục nên khởi kiện yêu cầu ông N. xin lỗi, cải chính công khai trên báo chí và bồi thường hơn 35 triệu đồng.
Tháng 1-2016, TAND quận 2 đã tuyên buộc ông N. chấm dứt hành vi truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, uy tín của bà T. Cạnh đó, ông N. phải bồi thường chi phí lập vi bằng cũng như tổn thất tinh thần tổng cộng hơn 39 triệu đồng cho bà T.
Về phần xin lỗi công khai, trước đó khi báo chí phản ánh, nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề xin lỗi trên Facebook. Tuy nhiên, khi tòa xử, bà T. yêu cầu ông N. phải xin lỗi, cải chính trên ba tờ báo, còn ông N. chỉ đồng ý xin lỗi bà tại tòa. Theo HĐXX, do hai bên không thỏa thuận được nên HĐXX buộc ông N. trực tiếp xin lỗi bà T. tại cơ quan THA có thẩm quyền. Riêng về việc cải chính thì đây là quan hệ riêng tư, bí mật đời tư, không xác định nội dung đúng sai và vì vấn đề thuần phong mỹ tục nên không buộc đăng báo. Hơn nữa, cải chính trên báo theo luật chỉ áp dụng cho cơ quan báo chí...
Bình luận (0)