Ngày 8-11, TAND Cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Công ty Chứng khoán Viễn Đông theo kháng nghị tăng án, đổi tội danh của Viện trưởng VKSND TP HCM và kháng cáo của 3 bị cáo.
Trước đó, VKSND TP HCM truy tố Phan Thiên Hậu (SN 1980), Nguyễn Ngọc Phước (SN 1976) và Lê Thị Phương Anh (SN 1983) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, TAND TP HCM xử phạt Hậu 3 năm 27 ngày tù, Phước 2 năm cải tạo không giam giữ và Phương Anh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Sử dụng trái phép tài sản".
VKSND TP HCM kháng nghị tăng án cả 3 bị cáo
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện trưởng VKSND TP HCM đã ký kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng chuyển tội danh sang "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tăng án đối với 3 bị cáo này.
Nguyễn Ngọc Phước là Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Viễn Đông, Phan Thiên Hậu là trưởng phòng môi giới và Lê Thị Phương Anh là nhân viên. phòng môi giới
Theo kháng nghị, Phan Thiên Hậu cấu kết với Nguyễn Ngọc Phước và Lê Thị Phương Anh lợi dụng nhiệm vụ được giao đã thực hiện việc lưu ký khống, bán cổ phiếu không có thật (một mã chứng khoán) để lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Cụ thể, mặc dù tài khoản 645 không có cổ phiếu ACB nhưng ngày 24-8-2009, Hậu và Phước đã sử dụng nghiệp vụ trên phần mềm, trực tiếp lưu ký khống 50.000 cổ phiếu ACB trên thị trường giao dịch chứng khoán. Đã có 40.000 cổ phiếu giao dịch thành công với số tiền 1,9 tỉ đồng.
Sau khi giao dịch thành công, Hậu chỉ đạo nhân viên giả chữ ký khách hàng làm thủ tục vay 1,9 tỉ đồng bằng hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán.
Tiếp theo, Hậu mua lại 40.000 cổ phiếu bằng hình thức ứng tiền mua trả chậm với tổng số tiền 1,668 tỉ đồng để cân đối số dư chứng khoán đã lưu khống.
Khi 40.000 cổ phiếu đã về tài khoản, cộng với 10.000 cổ phiếu khống, Hậu chỉ đạo nhân viên giả chữ ký khách hàng để làm hợp đồng cầm cố cho Công ty Chứng khoán Viễn Đông lấy hơn 1 tỉ đồng.
Cũng bằng thủ đoạn này, Hậu đã chỉ đạo Phương Anh lưu ký khống nhiều mã cổ phiếu và thu được 5,56 tỉ đồng.
Để khắc phục hậu quả mà người của mình đã gây ra, Công ty Chứng khoán Viễn Đông phải bỏ ra 4,4 tỉ để mua lại các mã cổ phiếu đã lưu ký khống.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định cổ phiếu mà các bị cáo lưu ký khống không phải là tài sản của Công ty Chứng khoán Viễn Đông.
"Nói các bị cáo không chiếm đoạt tài sản là không đúng bởi vì số tiền mà các bị cáo thu được từ việc bán cổ phiếu thật bằng quyền sở hữu của chủ tài khoản mà các bị cáo đã lập ra. Lúc này hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm. Việc các bị cáo rút ra một phần hoặc không rút ra là nhằm tiếp tục đầu tư sinh lợi. Còn việc các bị cáo chưa sử dụng hoặc sử dụng nhằm mục đích tiếp tục đầu tư là quyền của các bị cáo, không có ý nghĩa trong việc xác định tội danh", VKS nhận định.
Ngoài ra, cũng theo đại diện VKS, đối tượng của tội "Sử dụng trái phép tài sản" thì phải có tài sản tồn tại. Trong vụ án này, khi các bị cáo lưu ký khống và đặt lệnh giao dịch để bán cổ phiếu thì những cổ phiếu mà các bị cáo đã giao dịch hoàn toàn không có trên thực tế. Chính vì vậy, không có tải sản thì làm sao xử tội "Sử dụng trái phép tài sản" ?
Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, HĐXX sẽ nghị án và tuyên án sau.
Bình luận (0)