Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu đại tá Phùng Anh Lê (55 tuổi, trú phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), nguyên trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội), về tội "nhận hối lộ".
Cơ quan tố tụng khám xét nhà ông Phùng Anh Lê - Ảnh: T.P.
Cùng bị truy tố với ông Lê còn có các bị can Nguyễn Đức Châu (49 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ), nguyên đội trưởng Đội cảnh sát hình sự quận Tây Hồ; Vũ Công Ngọc (42 tuổi, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), nguyên đội phó đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ; và Lê Đình Trung (45 tuổi, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nguyên đội phó Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an quận Tây Hồ, cùng bị truy tố về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".
Theo cáo trạng, ngày 22-9-2016, Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đến Công an quận Tây Hồ đầu thú hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh "con nợ". Ngay trong ngày, Tài bị tạm giữ 3 ngày để phục vụ điều tra. Người thân của Tài sau đó nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị can Phùng Anh Lê) tìm cách giúp đỡ hòa giải với bị hại để Tài không bị xử lý. Bị can Lê đồng ý sẽ thả Tài và hòa giải với điều kiện phải đưa cho mình 110 triệu đồng để bồi thường cho bị hại.
Sau khi nhận tiền, bị can Lê chỉ đạo các thuộc cấp Châu, Ngọc, Trung thả Tài sau chưa đầy 3 tiếng bị tạm giữ. Sau đó, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ đứng ra hòa giải cho Tài và bị hại, theo chỉ đạo của bị can Lê.
Theo cáo trạng quá trình điều tra, bị can Lê không khai nhận hành vi phạm tội, đổ lỗi cho cấp dưới, không thừa nhận đã chiếm hưởng 110 triệu đồng. Đáng chú ý, bị can Lê đã tạo ra các chứng cứ không đúng sự thật khách quan nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Cụ thể, trước khi bị khởi tố, Lê cùng vợ đã đến gặp ông Bảy mục đích để trao đổi về nội dung liên quan Tài. Sau đó, chủ động đưa vào cuộc nói chuyện các thông tin nhằm làm mờ hành vi phạm tội của mình rồi ghi âm lại. Ngoài ra, vợ chồng Lê còn yêu cầu ông Bảy viết thư xin lỗi gửi để Lê nộp cho cơ quan điều tra nhằm chứng minh Lê không phạm tội.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định những nội dung, tài liệu này không có tính khách quan, không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, nên không có cơ sở xem xét. VKSND Tối cao xác định bị can Lê đã "lợi dụng chức vụ quyền hạn" chủ động gợi ý nhận hối lộ 110 triệu đồng rồi chỉ đạo cấp dưới thả người trái pháp luật. Các bị can Châu, Ngọc, Trung biết chỉ đạo của Lê là trái pháp luật nhưng đã chấp hành, thực hiện tha trái pháp luật đối với Tài.
Trong vụ án này, ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng công an quận Tây Hồ, là người ký quyết định tạm giữ Tài nhưng không biết bị can Lê chỉ đạo thả Tài nên không có cơ sở xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, sau khi Tài ra khỏi nhà tạm giữ, ông Hải biết rõ Lê chỉ đạo thả và không xử lý Tài là sai quy định nhưng không thông báo cho VKSND cùng cấp và cấp trên.
Ông Lê Sinh Hùng, Phó trưởng công an quận Tây Hồ, Trưởng nhà tạm giữ, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận Tây Hồ, và ông Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an quận Tây Hồ, được Châu và Trung thông báo việc Lê chỉ đạo cho Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Tuy nhiên, ông Hùng và ông Huy không có ý kiến chỉ đạo, mà đồng ý để Trung thực hiện theo chỉ đạo của Lê; sau đó không kiểm tra lại để báo cáo các cấp có thẩm quyền là chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ.
Theo cáo trạng, vi phạm của ông Phạm Quý Hải, Lê Sinh Hùng và Nguyễn Quang Huy là thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ dấu hiệu xử lý hình sự. Do đó, VKSND Tối cao đề nghị Công an TP Hà Nội xử lý kỷ luật nghiêm về mặt Đảng và chính quyền 3 người trên; đồng thời, đề nghị Công an quận Tây Hồ xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền đối với ông Phan Tất Hùng, điều tra viên Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ quản giáo trực nhà tạm giữ - người đưa Tài ra khỏi buồng giam.
Bình luận (0)