icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà dột từ nóc

Tố Trâm

Người mẹ, người vợ ấy không còn nước mắt để khóc. Bao nhiêu năm bà nhẫn nhịn, chịu đựng những mong duy trì một gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái nhưng cũng chính sự nhẫn nhục ấy đã đẩy gia đình bà rơi vào bi kịch hôm nay

Dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa, có 3 người đứng bên hàng rào sắt trong sân TAND TPHCM dõi mắt về phía chiếc xe bít bùng. Họ là mẹ và ông bà ngoại của bị cáo Phạm Văn Minh (SN 1983), người vừa bị TAND TPHCM tuyên án tù chung thân về tội “Giết người”.

Vừa thoáng thấy bóng dáng Minh bị còng tay cùng các bị cáo khác bước ra, họ líu ríu chạy đến. Trước họ, cô em gái út của Minh - đang ngồi như hóa đá ở bậc tam cấp – đã kịp bật dậy, nhào đến nhìn mặt anh trai. Với nước da trắng bệch, khuôn mặt khôi ngô, hiền lành, Minh quay mặt về phía những người thân gật đầu chào. Chiếc xe tù vút đi, người thân của Minh cố chạy theo một đoạn rồi mới thẫn thờ quay bước về bãi gửi xe...

Khoảng 12 giờ ngày 19-11-2007, trong khi ông P.V.P ngồi uống rượu tại nhà (quận 12-TPHCM), Minh đang cầm kéo cắt vải may nón cùng các em. Lúc này, mẹ Minh lấy xe đi mua thuốc cho con, bất chợt ông P. lên tiếng chửi vợ. Bà cãi lại, ông P. đứng dậy cầm tô cơm ném và đuổi đánh vợ. Thấy vậy, Minh chạy đến ôm cha can ngăn, điên tiết, ông P. quay lại đánh Minh. Cha con ẩu đả, sẵn đang cầm kéo trên tay, Minh đâm nhiều nhát vào bụng và ngực cha khiến ông chết trên đường đi cấp cứu. Được tin cha mất, Minh đến cơ quan công an đầu thú.

Một vụ án có nạn nhân và bị cáo là người cùng một nhà; nguyên nhân, động cơ, mục đích... phạm tội cũng na ná với nhiều vụ án tương tự tôi từng được dự trong suốt thời gian qua. Nhưng bi kịch gia đình họ không chỉ dừng ở đấy.

Ra tòa hôm đó, người mẹ, người vợ ấy đã không còn nước mắt để khóc. Có thể vì hơn hai mươi năm làm vợ, làm mẹ, bà đã khóc quá nhiều. Lấy phải người chồng tứ đổ tường, một mình bà phải thức khuya dậy sớm, dãi dầu mưa nắng bán buôn, chắt chiu từng đồng để nuôi con. Vậy mà nào được yên thân. Hễ rượu vào, ông chồng lại bốc lên cái máu vũ phu và người lãnh đủ là mẹ con bà. “Chiến tranh” xảy ra liên miên, các con sợ hãi dắt nhau qua nhà ông bà ngoại ở cách đấy mấy con hẻm để lánh nạn. Trong những lần đi về đó, hai đứa con trai lớn của bà đã kịp gặp và kết bạn với đám thiếu niên choai choai thường tụ tập trong mấy con hẻm. Đến một ngày, chúng thú nhận đã nghiện heroin. Hoang mang, đau đớn, bà đưa con đi xét nghiệm máu để rồi ngực bà nghẹn cứng, chết điếng người với kết quả dương tính trên tay. Khóc cạn nước mắt, bà quyết định đưa con đi cai nghiện; dốc sức lực, tiền bạc mua thuốc và bồi bổ sức khỏe mong kéo dài sự sống cho con. Nhưng cũng kể từ đó, bão táp liên tục đổ xuống gia đình bất hạnh ấy. Sợ con lây bệnh, người cha ghẻ lạnh, hắt hủi. Tuổi còn quá trẻ lại mặc cảm, tuyệt vọng về bệnh tật nên mỗi lần bị cha dùng những lời lẽ nhục mạ, đuổi xô, hai đứa con trai bất bình cãi lại. Cha con gây gổ, vợ chồng bất hòa. Và rồi...

Sững người một hồi lâu, rồi như sực tỉnh, bà nghèn nghẹn bảo các con của bà chưa một lần được cha dẫn đi chơi công viên hay những khu vui chơi nào; cũng chưa bao giờ được cha mua cho miếng bánh, cái kẹo. Chúng thiếu tình thương, sự chăm sóc của cha nhưng lại có thừa đòn roi, những lời chửi mắng và cả những trò ăn chơi mà mỗi khi ngà ngà say, ông ra rả kể cho cả nhà nghe. “Nóc nhà” không nguyên vẹn để có thể chở che cho bà và các con. Dẫu vậy, bà không thể ly hôn vì “dù thế nào, nhà cũng phải có nóc, con vẫn cần có cha”. Bà cố gắng bù đắp những thiệt thòi của con bằng tình yêu thương và sự hy sinh mà quên mất sự kiên quyết, nghiêm khắc giáo dục cũng là điều cần thiết để các con nên người trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Cuối cùng, sự nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh của bà cũng duy trì được một gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái nhưng lại vô tình đẩy mọi thành viên trong ấy đến tận cùng nỗi bất hạnh.

Đôi mắt bà vẫn ráo hoảnh khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của gia đình mình. Nhưng dường như ẩn chứa bên trong là một nỗi đau không dễ sẻ chia, một bế tắc không lối thoát. Chồng chết, đứa con trai lớn mang án chung thân nhưng chẳng biết nó sẽ thụ án được bao lâu vì bệnh đã vào giai đoạn cuối. Người con trai còn lại dù ngày ngày vẫn cặm cụi phụ hai em gái may nón, chắc chắn cũng không thoát khỏi án tử đang treo lơ lửng trên đầu bởi sự oan nghiệt do ma túy đem lại.

Với một người vợ, người mẹ, có nỗi đau nào hơn thế?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo