Theo cáo trạng, vào cuối tháng 12-2011, TAND TP Biên Hòa có thụ lý hồ sơ xét xử bị cáo Phạm Văn Duy về tội “Cố ý gây thương tích”.
Vụ án do thẩm phán Nguyễn Văn Nuôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu xét xử, còn Cương là thư ký giúp việc. Cương được thẩm phán Nuôi giao nhiệm vụ mời gia đình bị hại đến để làm rõ các khoản yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên giữa tháng 1-2012, Cương đã tự ý mời cả gia đình bị hại và gia đình bị cáo lên gặp gỡ để cùng thỏa thuận mức bồi thường với nhau.
Sau khi hai bên được sắp xếp gặp gỡ đã thống nhất mức bồi thường thiệt hại là 35 triệu đồng và gia đình bị hại sẽ làm đơn xin bãi nại nhằm giảm mức án cho bị cáo.
Sau đó, tại trụ sở tòa án, gia đình bị cáo đã đưa cho thư ký Cương 3 triệu đồng “bồi dưỡng” việc “giúp” thỏa thuận bồi thường và tác động gia đình bị hại làm đơn bãi nại. Gia đình bị cáo cũng hỏi Cương về mức án mà tòa có thể tuyên. Với kinh nghiệm tòa án của mình, Cương cho biết mức án sẽ từ 6-7 năm tù.
Bắt thóp được tâm lý gia đình bị cáo, Cương tiếp tục vòi vĩnh cho rằng số tiền 3 triệu đồng chỉ là “tiền riêng cho thư ký”, còn “tiền cho thẩm phán” để có thể giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất phải có thêm nữa, “tùy điều kiện gia đình”. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận nội dung gợi ý này chỉ là của thư ký Cương chứ không có sự thông đồng của thẩm phán.
Phía gia đình bị cáo sau khi vờ đồng ý với Cương đã hẹn sẽ đưa tiền tại một quán cà phê rồi một mặt trình báo công an.
Khi Cương tiếp tục nhận 15 triệu đồng từ gia đình người bị cáo thì bị trinh sát ập vào bắt giữ.
Quá trình điều tra, ban đầu Cương bị khởi tố điều tra với tội danh “Nhận hối lộ” nhưng sau đó được thay đổi sang tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Cương tỏ ra thành khẩn. Trước vành móng ngựa giữa tòa án nơi chính mình từng làm việc, trong ánh mắt các đồng nghiệp, bị cáo luôn cúi đầu lầm lũi.
Bình luận (0)