Là con trai một nên dù nhà nghèo, Nguyễn Văn Phong (23 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) vẫn được hưởng sự ấm êm trong tình thương của cha mẹ. Thế nhưng, thay vì ngoan hiền như bao thiếu niên khác ở quê thì gã con trai này đã ương bướng, sớm đua đòi, tập theo các thói hư tật xấu.
Vết trượt dài
Đang học dở lớp 10, Phong quyết nghỉ ngang và theo đám bạn bè bụi đời tụ tập để rồi trượt dài. Khi không có tiền tiêu xài, Phong kiếm tiền bằng việc cướp giật tài sản nên đã bị TAND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vào năm 2013. Chưa đầy 1 năm sau, Phong lại cùng bạn bè lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lại thêm 3 năm tù cho Phong khi gã đang trong thời gian thử thách tại địa phương.
Đầu năm 2017, khi Phong mãn hạn tù thì được một người bạn rủ vào TP HCM làm thuê. Tuy nhiên, khi đến nơi, Phong không liên lạc được với bạn nên đành thuê nhà trọ gần cầu vượt Linh Xuân, quận Thủ Đức tá túc. Mấy ngày sau, tiền mang theo đã cạn mà việc làm thì chưa có, Phong bắt đầu nảy sinh mưu đồ.
Bị cáo Nguyễn Văn Phong tại phiên tòa
Biết hằng đêm, khu vực cầu vượt Bình Phước, quận Thủ Đức có nhiều người đồng tính nam lắm tiền đến tìm bạn tình "tâm sự", rạng sáng 20-2-2017, Phong lang thang tới đây chờ đợi. Định mệnh khiến xui anh L.P.L (37 tuổi) đến làm quen rồi mời Phong về nhà ở phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM. Sau một đêm thắm tình, anh L. cho Phong 100.000 đồng rồi đưa về phòng trọ.
Đêm hôm sau, Phong chủ động gọi cho anh L. cùng với những toan tính. Đến khoảng 5 giờ, Phong thức giấc và nảy sinh ý định lấy điện thoại, xe máy của anh L. Thấy L. có vẻ nghi ngờ, Phong dỗ dành bạn tình cho qua để anh ngủ tiếp. Đến lúc này, cây búa dưới nền nhà bỗng trở thành vật tiếp tay cho kẻ ác phạm tội đến cùng. Sau khi gây án, hung thủ phá cửa, lấy xe của nạn nhân đem bán rồi sống lang thang cho đến ngày bị bắt.
Trả giá
Ngày ra tòa, Phong mặc chiếc áo sơ-mi với gương mặt sáng, ít ai có thể tin nổi đây là một kẻ giết người tàn nhẫn. Thỉnh thoảng Phong lại ngoảnh mặt tìm kiếm để rồi thất vọng vì chẳng có người thân nào đến dự tòa. Đã từ lâu, Phong bị cha mẹ từ mặt vì hết lần này đến lần khác phạm tội.
Trước những lời cáo buộc, Phong thừa nhận bản thân gây ra cái chết của nạn nhân nhưng lại bao biện: "Lúc đó, bị cáo chỉ muốn có tiền tiêu xài nên mới nảy sinh ý định lấy trộm tài sản khi anh L. đang nằm ngủ. Bị cáo mở gói thuốc thì thấy một điếu có đầu bị bịt lại. Sau khi hút, bị cáo thấy người lâng lâng, đầu óc không còn tỉnh táo, liền cầm chiếc búa đánh vào đầu anh L.".
Hung thủ thản nhiên kể lại quá trình gây án mạng; rằng đã 3 lần quay lại dùng búa đánh vào đầu anh L. cho đến khi nạn nhân bất tỉnh hoàn toàn, cán búa cũng gãy làm đôi; rằng khi có người qua lại ngoài cổng, Phong còn giả vờ như đang nói chuyện để không bị nghi ngờ. Ngồi ở băng ghế đầu tiên, mẹ anh L. với mái tóc bạc trắng, gương mặt nhăn nheo không ngừng khóc khi nghe kẻ sát hại con mình khai nhận.
"Bị cáo chiếm đoạt một chiếc xe và điện thoại, bán được hơn 900.000 đồng. Chỉ vậy mà bị cáo quyết tâm tước đoạt sinh mạng của một người đến cùng. Bị cáo có thấy hành vi của mình là tàn ác hay không?" - vị thẩm phán trầm ngâm rồi chất vấn. Phong cúi đầu, đưa hai bàn tay ôm mặt rồi sụt sùi: "Chỉ vì bị cáo không kiếm được việc, không làm ra tiền. Bị cáo nông nổi nhất thời, không làm chủ được bản thân. Bị cáo rất hối hận. Cuộc sống trong tù khổ cực lắm, bị cáo không muốn vào trong đó".
Vị thẩm phán nhìn Phong rồi lắc đầu, nghiêm giọng: "Nông nổi là khi người ta còn nhỏ dại, nhất thời; còn bị cáo ra tù vào tội, vừa chấp hành án xong lại phạm tội nghiêm trọng. Bị cáo quyết tâm phạm tội đến cùng dù cho nạn nhân la hét, vùng vẫy. Hành vi của bị cáo phải bị pháp luật trừng trị".
Nghe kể về phút giây con trai bị giết, mẹ anh L. vén mái tóc bạc trắng, nước mắt giàn giụa trên đôi mắt mờ đục. Bà mếu máo nói chẳng rõ câu: "Con trai tôi chết rồi. Giờ chẳng còn ai quan tâm, chăm sóc tôi khi tuổi già đã ập đến. Tôi năm nay đã 80 tuổi, mang hận thù thì con trai cũng chẳng sống lại được. Tôi chỉ mong tòa xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật".
Giờ nghị án, Phong ngồi cúi gập người để tránh những ánh nhìn của người khác. Thỉnh thoảng, gã lại đưa tay ôm siết lấy mặt khiến những gân đỏ nổi lên, cố giấu đôi mắt ngấn lệ. Ngồi cạnh đó, mẹ bị hại chợt nhìn Phong thương cảm. Bà khẽ lắc đầu rồi lẩm bẩm: "Chắc tòa không tuyên tử hình. Phong còn quá trẻ, xử tử hình thì cũng tội quá".
Chỉ đến khi bị áp giải đi, Nguyễn Văn Phong mới bừng tỉnh, cuống quýt ôm chặt người quen lần cuối trong vội vã. Nhưng hơi ấm chưa kịp trao thì đã rơi rớt tự lúc nào.
Xét thấy hành vi của Nguyễn Văn Phong là rất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, phạm tội có tính côn đồ, quyết tâm phạm tội đến cùng; hành vi của bị cáo là dã man, không còn khả năng cải tạo nên HĐXX đã tuyên mức án tử hình.
Bình luận (0)