Những sai phạm tại công trình Nhà Thi đấu (NTĐ) TDTT Phú Thọ, vốn được dư luận đề cập trước ngày diễn ra SEA Games 22, cuối cùng cũng đã lộ rõ, nhất là khi UBND TPHCM thừa nhận khuyết điểm trong việc quản lý công trình này. Còn nhớ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc các đơn vị có liên quan khi kiểm tra tiến độ thi công công trình này và yêu cầu sau SEA Games 22 phải xử lý tới nơi tới chốn.
Sở TDTT TPHCM cố ý làm trái
NTĐ Phú Thọ được thiết kế theo chuẩn quốc tế, với sức chứa 5.000 chỗ. Tổng số tiền đầu tư (sau 2 lần điều chỉnh) đã lên đến hơn 145 tỉ đồng. Dù chính thức khởi công xây dựng từ ngày 22-12-2000, nhưng mãi đến 2-12-2003 (sát đến ngày khai mạc SEA Games 22) công trình mới được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Trong vai trò là chủ đầu tư dự án, Sở TDTT TPHCM đã “phớt lờ” các quy định của Nhà nước, khi tổng vốn xây lắp được duyệt chỉ là 49,947 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ tính giá trị xây lắp của 3 hạng mục: móng, thân và mái nhà (được Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt) đã vượt 7,325 tỉ đồng. Theo cơ quan chức năng, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc Sở TDTT phải xin điều chỉnh dự án. Ông Vũ Hùng Việt (lúc đó là phó chủ tịch UBND TPHCM) ký quyết định điều chỉnh này, dù trái với Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ để hợp thức hóa cho việc làm sai theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” của Sở TDTT. Chưa hết, giám đốc Sở TDTT lúc bấy giờ là ông Trịnh Thanh Bình còn “cố ý làm trái để hợp thức hóa vi phạm” trong việc thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế của Công ty Meinhardt (đơn vị tư vấn thiết kế công trình). Cụ thể, dù quy mô và kết cấu công trình NTĐ Phú Thọ do Công ty Meinhardt thiết kế, khác với dự án được phê duyệt nhưng lại được Sở TDTT xác nhận trong biên bản: “Không có sự thay đổi lớn so với thiết kế sơ bộ đã được duyệt trong dự án đầu tư”!? Một việc làm có dấu hiệu cố ý làm trái khác được các cơ quan chức năng phát hiện là hệ thống khán đài di động đã được thực hiện xong bằng hợp đồng mua bán ngày 21-9-2003 nhưng Sở TDTT vẫn lập hồ sơ theo trình tự chỉ định thầu và dựa vào đó để nâng giá trị hợp đồng mua bán khán đài di động từ 1,9 tỉ đồng (số tròn) lên 2,1 tỉ đồng, tăng khống gần 170 triệu đồng. Chưa hết, Sở TDTT còn ký 2 hợp đồng giao nhận thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát với giá 46,98 triệu đồng dẫn đến khả năng mất vốn 207,3 triệu đồng.
Qua kiểm tra một số khoản chi của Ban Quản lý dự án Sở TDTT, cơ quan chức năng còn phát hiện 4 phiếu chi sai chế độ với tổng số tiền 75,2 triệu đồng. Trách nhiệm này thuộc về ông Trịnh Thanh Bình, ông Trần Văn Mui (phó giám đốc Sở TDTT) và bà Trần Thu Hà, phó Ban Quản lý dự án Sở TDTT TPHCM...
Làm ẩu, ăn thiệt!
Các cơ quan chức năng cũng làm rõ việc Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC), thuộc Sở Xây dựng TPHCM là đơn vị vừa ký hợp đồng thẩm tra hồ sơ thiết kế cho chủ đầu tư, đồng thời lại ký hợp đồng thẩm tra thiết kế cho bên làm thuê (Công ty Meinhardt) để lấy hai lần tiền cho một việc làm, nhưng bỏ qua sai sót trên hồ sơ thiết kế. Điều nực cười là dù ký hợp đồng nhận tiền của chủ đầu tư làm tư vấn giám sát công trình, nhưng chỉ đến khi nhà thầu phát hiện sai lệch trong hồ sơ thiết kế tư vấn giám sát (khi thi công) thì SCQC mới biết (?!).
Sở Xây dựng TPHCM vừa là cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình của địa phương vừa có trách nhiệm thẩm định phê duyệt thiết kế công trình NTĐ Phú Thọ, nhưng đã thiếu trách nhiệm, không phát hiện ra những sai sót nói trên, dẫn đến sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, khi được giao trách nhiệm thẩm định dự toán hạng mục mái nhà (do Công ty Meinhardt lập thiếu chính xác), tháng 10-2001, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, ký quyết định phê duyệt lại dự toán sai lệch gần 2 tỉ đồng!
Những sai phạm của các đơn vị có liên quan đã khiến dư luận không khỏi lo lắng về độ an toàn và tuổi thọ của công trình. Đơn cử: độ tĩnh không từ các đỉnh gian kèo đến mặt hoàn thiện bệ móng, thì cao độ đỉnh các cột đỡ giàn kèo T3 đã thi công thấp hơn yêu cầu 1,53 m... Để làm rõ việc này, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải cho biết TP sẽ phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành kiểm định về chất lượng kết cấu giàn kèo và đánh giá tuổi thọ của công trình.
Trước những sai phạm kể trên, Đoàn Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo công tác thanh quyết toán của chủ đầu tư, cắt giảm không thanh toán trên 7,5 tỉ đồng; các cơ quan, đơn vị: Sở TDTT TPHCM, Công ty Meinhardt, SCQC... tùy theo mức độ vi phạm phải liên đới bồi thường kinh tế để thanh toán cho các nhà thầu thi công xây lắp được giao khắc phục sự cố. Đoàn còn kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự.
Bình luận (0)