Công an TP HCM vừa phát đi cảnh báo những hình thức lừa đảo mới nhất mà tội phạm công nghệ cao thường giăng ra để bẫy người dân.
Lắm "chiêu", nhiều "trò"
Theo Công an TP HCM, một thời gian ngắn sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin. Vì lý do nào đó, các đối tượng biết được số căn cước/CMND, ngày sinh, quê quán của nạn nhân nên giả danh cơ quan chức năng gọi điện để yêu cầu xác thực. Nạn nhân tin tưởng nghe theo và bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Một "chiêu" tinh vi khác, đó là vờ "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản ngân hàng. Thủ đoạn này không mới nhưng được nâng cấp thêm về mức độ tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin hoặc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật của nạn nhân.
Cụ thể, kẻ lừa đảo theo dõi mạng xã hội, tìm kiếm những trường hợp đăng bài trên Facebook, Zalo... rồi liên hệ để thông báo vừa "lỡ chuyển nhầm tiền" vào tài khoản rồi đề nghị được chuyển trả lại.
Sau đó, các đối tượng tổ chức phân vai diễn kịch, thường là giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ, yêu cầu khách hàng đăng nhập với username, password, mã OTP vào đường link giả mạo có giao diện giống với website của ngân hàng. Nếu làm theo hướng dẫn, người "được chuyển nhầm tiền" sẽ mất quyền sở hữu tài khoản.
Hay một cách lừa đảo nữa là mời gọi khuếch trương sự nổi tiếng. Cách này, nhóm tội phạm tiếp cận giới nghệ sĩ hoặc bất cứ ai có nhu cầu làm "tick xanh" Facebook. Chúng đề nghị nạn nhân chuyển ảnh, giấy tờ cá nhân (căn cước công dân/CMND, giấy phép lái xe...), từ đó chiếm đoạt trang fanpage, tài khoản mạng xã hội của họ để tống tiền hoặc bán cho người khác thu lợi. Thậm chí, nhóm chiếm đoạt còn sử dụng các tài khoản, fanpage này để thực hiện hành vi lừa đảo bạn bè của chủ tài khoản, người theo dõi fanpage.
Ngoài ra, tội phạm công nghệ cao còn giả danh nhà mạng gọi điện thoại cho người dân với lý do hỗ trợ nâng cấp sim điện thoại; gọi điện thoại giả danh công an, viện kiểm sát gửi lệnh truy nã, lệnh bắt và yêu cầu làm theo hướng dẫn, sau đó chiếm đoạt tiền.
Đặc biệt, một số thủ đoạn khác nhắm vào các phụ nữ đơn thân để kết bạn làm quen, hứa cưới, tặng quà giá trị cao… khiến nạn nhân mất cảnh giác mà "sụp bẫy".
Trần Minh Tuấn (SN 1985; ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) sử dụng công nghệ cao để đánh sập sàn tiền ảo bị bắt cuối năm 2021
Công an chỉ cách đối phó
Trước hàng chục vụ lừa đảo công nghệ cao, Công an TP HCM đã nhiều lần khuyến cáo người dân cẩn thận những cuộc gọi, tin nhắn của người không quen biết. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, nhìn nhận tội phạm công nghệ cao hoạt động rất bài bản khiến người dân khó phát hiện, kể cả những người cảnh giác cao độ.
Ông cho hay tội phạm lừa đảo từ xưa tới nay thường đánh vào lòng tham của con người. Thời đại internet phát triển đã giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, tuy nhiên, cũng vì thế mà những tội phạm lừa đảo công nghệ cao sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa.
"Người dân cần bình tĩnh trước những món quà, món tiền không mất phí. Cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư được pháp luật cho phép và trái phép" - đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói .
Phó Giám đốc Công an TP HCM thông tin thêm bên cạnh các hình thức gọi điện lừa đảo như kể trên, một chiêu trò khác đang nở rộ đó là kêu gọi đầu tư tiền ảo với khả năng sinh lời cao gấp nhiều lần. Về vấn đề này, Công an TP HCM khẳng định tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và khi sự việc xảy ra, công tác điều tra vô cùng cam go và khó khăn. "Người dân phải hết sức cẩn thận khi đầu tư tiền ảo và các hệ thống đầu tư sinh lợi cao. Từ thực tế hàng trăm nạn nhân bị lừa đảo rút ra rằng các đối tượng ban đầu "giăng câu" thường dùng lời lẽ ngọt ngào và có cánh, đến khi người dân đầu tư một khoản tiền lớn thì bọn chúng chủ động đánh sập hệ thống và chiếm đoạt tài sản" - ông nói tiếp.
Về góc độ khác của thủ đoạn đánh vào tinh thần, trung tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM) - người từng trực tiếp điều tra những vụ lừa đảo qua mạng, cho rằng kẻ gian thường lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân để đe dọa. Nhiều trường hợp người già, phụ nữ khi nghe tin bị bắt thường hoảng loạn mà làm theo lời chúng hướng dẫn.
Trung tá Nguyễn Chí Thanh cho rằng tội phạm thường lợi dụng sự ngây thơ của nhiều người mà vẽ ra các chiêu trò lừa đảo, dẫn dụ bị hại vào những con đường không lối thoát. Bởi vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tuyên truyền thì những người trẻ tuổi cần về kể cho cha mẹ, ông bà nghe những thủ đoạn lừa đảo mới để tránh.
Trong đó, tuyệt đối không nghe dụ dỗ từ cuộc gọi có các đầu số lạ, không nhấp vào link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai dù cho họ xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên y tế, công an... Nếu có bạn bè, người thân trên Facebook mượn tiền hoặc giao dịch tiền thì cần gọi lại xác minh để biết chính xác mình đang nói chuyện với ai, có phải người cần giúp hay không. Thêm một lưu ý, công an không làm việc qua điện thoại, không gửi thông báo cho cá nhân qua mạng xã hội mà chỉ làm việc trực tiếp với công dân tại trụ sở.
Triển khai nhiều biện pháp đấu tranh
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP HCM đã phát hiện 33 vụ việc liên quan đến mua hàng, đầu tư tiền ảo trên mạng. Công an đã khởi tố 2 vụ với 3 bị can và tiếp tục xác minh 31 vụ người dân trình báo.
Trong thời gian tới, Công an TP HCM sẽ tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân và tuyên truyền trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Công an TP HCM chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận (0)