Bị VKSND TP HCM đề nghị mức án khá nặng về tội “Giết người”, N.T.S.T (SN 1997, quê Đồng Tháp) vẫn không tỏ vẻ lo lắng. Ngược lại, T. khá hoạt bát, cười tươi khi chúng tôi tiến đến trò chuyện.
Cô đơn giữa người thân
Hai tháng tuổi, T. vuột mất tình yêu thương của mẹ khi bà bỏ nhà đi. Lên 5 tuổi, T. tiếp tục xa cha vì ông có gia đình mới, bỏ lại T. cho bà nội nuôi dưỡng. Ngay từ nhỏ, T. phải làm mướn để có tiền đi học và phụ giúp cho bà nội đã già. Cầm cự đến lớp 7, T. bỏ học lên TP HCM kiếm sống bằng nhiều nghề.
Đầu năm 2014, T. về quê thăm gia đình. Bị mẹ kế đối xử tệ bạc, bạn gái lại đòi chia tay, T. chán nản bỏ lên TP.
Ngày 22-1, trong lúc lang thang gần Bến xe Miền Tây, T. mua một con dao với ý định tự tử. Tối đó, T. được một cô gái bán dâm rủ đi nhà nghỉ. Trong lúc quan hệ, T. rút dao đâm tới tấp vào người cô gái, sau đó khóa trái cửa phòng, dùng dao đâm vào ngực và cổ mình nhiều nhát tự tử. Chủ nhà trọ và công an đạp cửa giải cứu kịp thời, T. và nạn nhân cùng thoát chết.
Tại phiên tòa, vị chủ tọa hỏi: “Vì sao không có thù hận gì với bị hại mà bị cáo lại ra tay giết người?”. T. lắc đầu nói không biết. Không quanh co chối tội, T. thừa nhận tội lỗi và xin nạn nhân tha thứ.
Đến tham dự phiên tòa, cha và mẹ kế T. không một lời hỏi han con. Dù thời gian nghị án khá dài, họ vẫn đứng bên ngoài nói chuyện và chờ đợi, mặc T. ngồi lọt thỏm một mình sau vành móng ngựa. Chúng tôi hỏi thăm, cha T. nói: “Tính thằng T. cộc cằn, khó hiểu từ nhỏ. Tôi cũng bận, không quan tâm đến nó… Giờ nó phạm tội, tôi cũng buồn”.
Bất chợt, tôi thấy T. nhìn rất nhanh ra hành lang rồi quay vào cúi đầu, di di ngón chân xuống nền gạch. Ánh mắt T. đau đáu một nỗi niềm khó tả. Tôi đã hiểu vì sao T. không quan tâm đến mức hình phạt mà mình sắp phải nhận. Hôm đó, T. bị TAND TP HCM tuyên phạt 8 năm tù.
Không còn kịp...
Cuối tháng 7-2014, TAND TP HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt N.P.A.T (SN 1997, ngụ quận Bình Tân) 12 năm tù với 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Người bị hại chính là ông ngoại của T.
Theo hồ sơ, trong một lần tình cờ biết chồng có con riêng ở bên ngoài, mẹ T. đã tự tử. T. phát hiện vụ việc nên gọi người đưa mẹ đi cấp cứu. Sau lần đó, cha mẹ T. thường xuyên cãi nhau. Chán nản, T. bỏ bê việc học, tụ tập với bạn bè xấu.
Từ tháng 1-2013, T. đến nhà ông ngoại ở. Khoảng 14 giờ ngày 8-7-2013, T. đi chơi về nhà gọi cửa nhưng không thấy ông ngoại mở nên trèo tường hàng xóm rồi leo lên sân thượng để vào. Bị ông la mắng, đuổi ra khỏi nhà, T. bóp cổ rồi dùng máy cassette đánh vào đầu cho đến khi ông nằm bất động. Sau đó, T. lục người ông lấy 700.000 đồng, 1 chiếc nhẫn vàng cùng thẻ ATM rồi bỏ trốn.
Hành vi giết ông ngoại một cách nhẫn tâm của T. khiến dư luận bàng hoàng, ghê sợ. Đó cũng là lý do suốt phiên tòa, bà P.T.K.H (mẹ T.) cúi đầu, né tránh ánh nhìn của những người xung quanh nhưng rồi không kìm nén được nỗi đau, bà đã bật khóc mỗi khi T. khai nhận về tội ác của mình.
Ở một phiên tòa khác, người phụ nữ gầy gò, ốm yếu cứ ôm mặt khóc mỗi khi nghe HĐXX thẩm vấn con mình. Chỉ vì mâu thuẫn trong lúc chơi điện tử, bị bạn chơi game dùng mũ bảo hiểm đánh, dùng dao chém, trong cơn tức giận, con trai bà - P.T.Đ (SN 1997, ngụ quận 2, TP HCM) - đã dùng dao tấn công lại. Nhát dao trúng ngực khiến nạn nhân N.H.T (SN 1996) tử vong. Đ. bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Giết người”.
Nức nở trước tòa, mẹ Đ. cho biết: “Đ. vừa ra đời được vài tháng thì cha mất, một mình tôi lăn lộn đủ nghề để nuôi con. Đi từ sáng sớm đến tối mịt, tôi về đến nhà nấu nướng, ăn uống, tắm rửa xong là lăn ra ngủ để hôm sau lại đi làm, không có thời gian để ý, quan tâm nhiều đến con. Lúc nó nghiện trò chơi điện tử, tối ngày chơi bời, lêu lổng, tôi cố khuyên nhưng đã không còn kịp...”.
Tình yêu thương là điểm tựa
Theo tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH-NV, hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội là do không kiểm soát được hành vi, cảm xúc, không hiểu hết hậu quả của những việc mình làm.
“Một đứa trẻ lớn lên không có đủ sự chăm sóc của cha mẹ hoặc thiếu 1 trong 2 thì dễ bị mất cân bằng các chức năng, sức đề kháng tâm lý rất yếu. Chính cảm giác hụt hẫng, chơi vơi trong cuộc sống khiến các em luôn thấy bất an, tinh thần hoảng loạn, dễ bị cảm xúc không phù hợp chi phối hành động của bản thân, dẫn đến sai lầm. Với những trẻ em này thì tình yêu thương, nâng đỡ, cảm thông trong khuôn phép của gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc giúp các em vượt qua thử thách để quay về” - TS Ngô Xuân Điệp nói.
Bình luận (0)