Tối 24-3, Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017".
Nhiều nghệ sĩ bị bà Phương Hằng nêu tên
Từ tháng 3-2021 đến thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng đã tố cáo nhiều người nổi tiếng và các cá nhân trục lợi tiền kêu gọi từ thiện.
"Phát súng" đầu tiên bà Nguyễn Phương Hằng nhắm vào ông Võ Hoàng Yên (46 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận), người bị tố có hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phát hiện năm 2021 tại TP HCM và các tỉnh, thành phố khác.
Nghệ sĩ Hoài Linh từng khốn khổ khi bị bà Phương Hằng livestream tố cáo ăn chặn tiền từ thiện
Do đã hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm nhưng chưa có kết luận giám định nên ngày 18-7-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Tiếp đó, bà Nguyễn Phương Hằng livestream thông báo "nằm mơ" nghệ sĩ Hoài Linh ăn chặn tiền từ thiện hơn 14 tỉ đồng. Bà Phương Hằng đã livestream liên tục về sự kiện nghệ sĩ Hoài Linh "ngâm" tiền từ thiện từ tháng 5-2021 đến tháng 7-2021.
Sau đó, nghệ sĩ Hoài Linh đã nhờ ê-kip của mình đến một số tỉnh, thành miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt để trao số tiền hơn 15,2 tỉ đồng. Nam nghệ sĩ đã quay video lên Facebook cá nhân thông báo đã giải ngân hết tiền từ thiện hỗ trợ đồng bào miền Trung.
Tuy nhiên, bà Phường Hằng vẫn tiếp tục livestream tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh, buộc nam nghệ sĩ này làm đơn tố cáo gửi đến Công an TP HCM yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng về hành vi làm nhục người khác.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Hoài Linh quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020 là 15,4 tỉ đồng.
Trong đó, Hoài Linh đã quyên góp bằng tiền cá nhân hơn 500 triệu để chung tay cứu trợ đồng bào. Sau khi nhận được quà cứu trợ, nhiều địa phương đã có thư cảm ơn.
Hoài Linh có đăng ký kết thúc đợt quyên góp, nhưng sau đó các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản của ông.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hoài Linh bị bệnh nên nghệ sĩ đã không thể đi miền Trung, dẫn đến chậm trễ giải ngân tiền từ thiện. Tuy nhiên, sau đó, Hoài Linh đã ủy quyền cho người quen đi trao tiền từ thiện ở miền Trung.
Từ đó Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án.
Sự việc nghệ sĩ Hoài Linh vừa lắng xuống thì bà Phương Hằng lại làm đơn tố cáo ông Huỳnh Minh Hưng (SN 1971, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ngụ quận 10) có dấu hiệu chiếm dụng tiền từ thiện trái phép thông qua việc dùng tài khoản cá nhân vận động từ thiện.
Bà Hằng cho rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã không minh bạch, không công khai, công bố kịp thời rõ ràng chứng cứ sử dụng nguồn tiền quyên góp.
Trong đơn, bà Nguyễn Phương Hằng nêu rõ hành động của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có nét tương đồng với việc "ngâm" tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người ủng hộ từ thiện.
Đáp lại, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã gửi đơn tố cáo ngược lại bà Phương Hằng về hành vi làm nhục người khác, vu khống.
Luật sư và nhà báo đồng loạt tố cáo
Ngày 8-3-2022, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP HCM, có kiến nghị gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, Viện KSND tỉnh Bình Dương về việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo đơn, vào ngày 26-10-2021, ông Hiển đã gửi đơn tố giác và ngày 17-11-2021 ông tiếp tục làm đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng vì đã có các hành vi đe dọa giết người; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hành vi vu khống; làm nhục người khác.
Sau khoảng thời gian nộp đơn, ông Hiển được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương mời làm việc 2 lần để giải quyết đơn tố giác nêu trên.
Trong buổi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, ông Hiển đã trình bày các nội dung liên quan đến việc tố giác, đồng thời nhấn mạnh việc yêu cầu khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng.
Tuy nhiên, kể từ ngày cơ quan này tiếp nhận đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng cá nhân ông Hiển vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản tố tụng nào về kết quả giải quyết.
Ngoài ra, sau khi bị bà Phương Hằng liên tục livestream xúc phạm, ngày 19-10-2-21, nhà báo Hàn Ni (Báo SGGP) đã gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Dương đề nghị khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng vì đã có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng quyền tự do dân chủ...
Bà Hàn Ni cho rằng trong suốt 7 tháng qua bà Phương Hằng đã dùng mạng xã hội liên tục livestream chửi bới, lăng mạ nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và Công an tỉnh Bình Dương, tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài, văn nghệ sĩ, báo chí, luật sư và cá nhân bà Ni.
Theo bà Ni, bà Hằng đã dùng những lời lẽ thô tục để thóa mạ, vu khống, chà đạp danh dự, phẩm giá bà bằng thủ đoạn thêu dệt ra những thông tin không có thật, gây tổn thương sâu sắc đến danh dự, nhân phẩm của bà và gia đình, khiến nhiều người quen, bạn bè đồng nghiệp hoài nghi về đạo đức và phẩm hạnh của bà.
Ngoài ra, bà Hằng còn livestream chỉ trích các cá nhân, tổ chức, người còn sống cũng như người đã mất như ca sĩ Phi Nhung, nhắc đến nhiều nghệ sĩ bằng ngôn từ thô tục, thóa mạ.
Theo bà Ni, bà Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu của hàng loạt tội danh như vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Từ đó, bà Ni đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương sớm có biện pháp ngăn chặn những hành vi sai trái của bà Hằng và sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hằng để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng trong thời gian qua.
Bình luận (0)