Đó là “thành tích” ai cũng biết của ông Phan Văn Phụng - Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long chi nhánh tỉnh An Giang (gọi tắt là MHB An Giang).
Một chữ ký gây thất thoát tiền tỷ
Bên trong nhà máy nước |
Chức năng của Ngân hàng MHB thể hiện ở tên gọi của nó: cho dân nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở; thực hiện ngói hóa nông thôn, sau đó là hỗ trợ vốn cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng ông Phụng chỉ thích đầu tư cho đa số những “khách hàng lớn”, vay tiền tỷ của MHB AG.
Tôn chỉ của ngân hàng cũng là nguyên tắc cơ bản khi cho vay vốn: ngân hành phải nắm “cán”, tức phải có tài sản thế chấp, nắm được kế hoạch sử dụng vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ của khách hàng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, MHB AG dưới sự điều khiển của ông Phụng đã “nắm đằng lưỡi”. Trường hợp doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thoại Châu (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) của bà Nguyễn Thị Mun là ví dụ cho sự “hào phóng” tại MHB AG.
Doanh nghiệp này vay của MHB AG 2,5 tỷ đồng để mua đất mở rộng khách sạn. Kế hoạch trả nợ của DN là lợi nhuận từ kinh doanh của khách sạn này. Nhưng đến nay, bà Mun vẫn còn nợ ngân hàng 1,5 tỷ đồng, trong khi khách sạn thì đã bán cho người khác. Phương án trả số nợ còn lại của bà Mun... tạm gác lại (?!).
Một trường hợp khác, bà Trần Thị Huệ Khanh vay MHB AG ba lần, lần đầu ngày 14-12-2000 vay 580 triệu để “sửa chữa, trang trí tàu kinh doanh nhà hàng nổi”. Lần thứ hai ngày 11-4-2002, vay 350 triệu đồng (do mẹ bà Khanh đứng tên) cũng để “sửa chữa, trang trí tàu kinh doanh nhà hàng nổi”. Chỉ qua hai hợp đồng tín dụng (HĐTD) này cho thấy MHB AG đã “sơ suất” lạ lùng: hai hợp đồng có cùng mục đích sử dụng (sai nguyên tắc - NV). Ngày 9-4-2002, UBND tỉnh An Giang có văn bản yêu cầu ngừng việc kinh doanh nhà hàng nổi của bà Khanh trước đó, nhưng ngày 11-4-2002, ông Phụng vẫn “duyệt” cho bà Khanh vay vốn với mục đích “sửa chữa, trang trí nhà hàng” nói trên.
Một HĐTD “cỡ bự” khác là DNTN Thiên Lợi, vay 5 tỷ đồng trong 36 tháng; mục đích là “sửa chữa, nâng cấp nhà máy xay xát” hết 4,3 tỷ đồng, còn lại mua thêm máy móc. Các hạng mục như: nâng nền, thay khung nhà, lợp tôn... cho diện tích 2.984m2 sử dụng 4,3 tỷ đồng, tức trung bình 1,5 triệu đồng/m2 (?!). Kết quả là đến hạn, ngân hàng vẫn không thu được nợ; thậm chí trường hợp của DNTN Thanh Vinh vay 3 tỷ đồng xây dựng khách sạn, tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay, nhưng địa chỉ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và địa chỉ giấy phép xây dựng khách sạn lại khác nhau, nhưng ông Phụng vẫn... “ok”. Có hợp đồng tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà nằm ở hai nơi khác nhau, nhưng vẫn được MHB AG cho vay? Rồi những khách hàng vay kinh doanh nhưng không hề có giấy phép kinh doanh vẫn được duyệt. Không biết MHB AG đang hoạt động theo cơ chế nào?
Những sai phạm nghiêm trọng khác từ một dự án
Với những cú “duyệt” cho vay theo kiểu “nhắm mắt”, MHB AG đã đẻ ra những hợp đồng trái khoáy. Bài học cay đắng là HĐTD với Cty TNHH Long Giang. Từ tháng 1-2000 đến 1-2001, Cty này ký với MHB AG (chi nhánh huyện Châu Phú) 10 HĐTD vay 2,54 tỉ đồng để xây dựng nhà máy lọc nước sinh hoạt tại xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân.
Điều lạ lùng là tài sản thế chấp lúc vay chỉ là... lời hứa (đằng sau là gì thì chỉ có những người trong cuộc mới biết). Tài sản thế chấp lúc đó là tài sản hình thành từ vốn vay. Khi có vốn, doanh nghiệp này mới mua đất, làm giấy tờ và xây dựng nhà máy nên dù ký hợp đồng vay vốn từ tháng 1-2000 nhưng đến tháng 4-2000, Long Giang mới bổ sung hồ sơ “bảo đảm tiền vay” là giấy tờ đất và nhà máy nước lúc này chưa xây dựng. Khổ nỗi, cái dự án “trên mây” này không mang lại hiệu quả như doanh nghiệp mong muốn nên đến kỳ hạn trả nợ lên tiền tỷ rồi mà Cty vẫn lo đi thu gom từng vài chục ngàn của dân nên cuối cùng “ai đòi mặc kệ tôi thì... bó tay”.
Nhà máy nước mà MHB đang “ôm” chỉ có đường ống nước sơ sài thế này |
Tháng 5-2002, MHB Châu Phú khởi kiện ra tòa để đòi 1,22 tỷ vốn và lãi quá hạn lúc đó. Mãi đến tháng 6-2005, Cty Long Giang không biết làm gì hơn là giao nhà máy nước trên cho MHB AG. Lúc này, cả nợ gốc và lãi mà Long Giang phải trả cho ngân hàng đã là 4,11 tỷ đồng. Nhà máy nước của Long Giang được định giá là 1,86 tỷ đồng. Như vậy, nếu “ôm” nhà máy làm của thì Cty này vẫn còn thiếu 2,24 tỷ đồng.
Một thông tin cười ra nước mắt là MHB AG đã gợi ý bán nhà máy nước này để thu nợ, nhưng theo đánh giá của một cán bộ Cty Cấp nước An Giang thì giá hợp lý để mua nhà máy khoảng... 700 triệu đồng. Tính sơ sơ, qua vụ làm ăn này có ít nhất từ hai đến ba tỷ đồng còn lâu mới “quay về” với ngân hàng.
Một HĐTD khác giữa MHB AG với DNTN khách sạn Liên Hoa cũng rất bất thường. Doanh nghiệp này vay của MHB AG 2,2 tỷ đồng. Đến hạn, không thu được nợ, MHB AG khởi kiện Liên Hoa ra tòa. Số tiền mà tòa buộc Liên Hoa phải trả cho MHB AG là 2,55 tỉ đồng cả gốc và lãi. Thế nhưng, sau khi nhận tài sản thế chấp là khách sạn Liên Hoa, MHB AG cho đấu giá bán được 2,536 tỷ đồng, chưa đủ số nợ thu về cho ngân hàng.
Nhưng sau khi làm xong thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản trên cho ngân hàng thì ông Phụng đã “nhanh tay” ký hợp đồng bán tài sản cho ông Đỗ Duy Tân với giá 2,536 tỷ đồng, trong khi chưa có ý kiến phê duyệt của Tổng Giám đốc MHB tại TPHCM. Việc ký bán vội vã này làm cho MHB AG không những thu không đủ nợ cho ngân hàng mà còn chịu thiệt thêm các chi phí khác như án phí, phí định giá tài sản, lệ phí đấu giá, phí trước bạ nhà... tổng cộng là 50 triệu đồng nữa. Như vậy trong vụ làm ăn này, ngân hàng bị mất gần 70 triệu đồng. Đó là chưa kể khi Liên Hoa vay tiền, giá trị tài sản được định giá thế chấp lên đến 3,18 tỷ đồng (?!).
Nhưng vụ ông Phụng ký bán tài sản thu nợ từ DNTN Hữu Nghĩa là ly kỳ nhất. Tháng 3-2002, ngân hàng này cho DNTN Hữu Nghĩa vay 700 triệu đồng để bổ sung vốn kinh doanh xay xát lương thực, thời hạn vay là 12 tháng. Tài sản thế chấp là nhà xưởng, đất và máy móc của nhà xưởng được định giá 1 tỷ đồng. Thủ tục của MHB AG “chặt chẽ” thế nào mà chỉ một tháng sau khi giải ngân vốn vay thì doanh nghiệp này ngưng sản xuất do làm ăn thua lỗ. Đến tháng 5-2003, khi ngân hàng khởi kiện ra tòa thì nợ gốc và lãi của DN này là 920 triệu đồng và ngân hàng được phát mãi tài sản thế chấp để thu vốn. Tài sản thế chấp của Hữu Nghĩa được tòa định giá khi giao cho ngân hàng là 1,1 tỷ đồng.
Có một điều bất thường trong việc xử lý tài sản này. Sau khi nhận tài sản thế chấp, mãi đến ngày 22-6-2005, ông Khâu Hữu Nghĩa, chủ DNTN Hữu Nghĩa mới làm xong thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và đất nhà xưởng trên cho MHB AG, nhưng trước đó hai tháng, vào ngày 22-4-2005, ông Phụng đã ký thỏa thuận bán tài sản trên cho ông Võ Minh Khải với giá chỉ có 1 tỷ đồng, và cùng ngày, ông Khải đã đóng 300 triệu tiền cọc mua tài sản trên.
Bình luận (0)