Có tiền, có công, chưa đủ
Tiếp tôi tại trại ngựa trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8) là người đàn ông trung niên thấp đậm tên Nguyễn Văn Thành. Dù đã gần 50 tuổi nhưng ông Thành vẫn coi mình chỉ là “hậu sinh” trong làng nuôi ngựa đua. Tập làm quen với ngựa đua từ những năm 1970, nhưng phải đến những năm 1990, khi trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại, ông Thành mới chính thức nuôi ngựa đua. Trong một lần đi chơi Đà Lạt, ông mua con ngựa tên Kim Xuyến, rồi đổi tên thành Misa để đem dự thi. Sau khi con Misa thắng “độ” nhiều trận, ông Thành “tậu” thêm Misa 1, Misa 2, Misa 3, Thuận Linh, Phương Thảo, Xích Tu Long... Bây giờ số ngựa trong trại đã lên tới 15 con. Ông Thành nói: “Để có một chiến mã thi đấu tại các kỳ đua ngựa, không những người nuôi ngựa phải... có tiền (giá của mỗi con ngựa đua loại thường thường cũng lên tới 100 triệu đồng), mà còn phải bỏ công chăm sóc rất công phu. Từ lúc ngựa lọt lòng mẹ cho đến khi đủ tuổi đua, phải mất từ 2 năm rưỡi đến 3 năm”.
Chỉ riêng thức ăn cho ngựa gồm lúa và cỏ cũng phải có chế độ đặc biệt. Đối với ngựa đua, chỉ cho ăn cỏ mật, cỏ chỉ sương. Còn ngựa nái (ngựa đẻ), ngựa non thì cho ăn cỏ tây long, nhưng tuyệt đối không cho ngựa ăn gạo vì bộ phận tiêu hóa của ngựa không tốt, rất dễ bị sình bụng. Cỏ sau khi cắt hoặc mua về phải rửa thật kỹ, đặc biệt là không để cho bất cứ ai ngồi hoặc nằm lên cỏ vì có hơi người lẫn vào, ngựa sẽ... bỏ ăn! Ông Thành chỉ tôi cách phân biệt cỏ mật, cỏ tây long nhưng đúng là không phải trong nghề nên tôi thật khó... tiếp thu.
Lòng đam mê không tính bằng tiền
Chỉ vào con tuấn mã có bộ lông óng mượt màu vàng đen đang gặm cỏ trong chuồng, ông Thành nói: “Nó là Xích Tu Long, thuộc nhóm 4, mỗi ngày ăn 10 kg lúa, chưa kể cỏ”. Với thời giá 2.800 đồng/kg lúa, rồi tiền thuốc cho ngựa, tiền công trả người chăm sóc..., cộng tất cả các chi phí lại, trung bình mỗi tháng chi cho một ngựa đua là... 3 triệu đồng! Tuy phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn, nhưng giải thưởng (giải nhất) cũng không quá 10 triệu đồng dành cho nhóm ngựa lớn (nhóm 6-9), còn nếu ngựa không đoạt giải nào thì được ban tổ chức trả 500.000 đồng. “Vậy là lỗ rồi” - tôi nói. Ông Thành cười: “Đối với người chơi ngựa đua, chủ yếu là lòng đam mê”.
Mở tiệc mừng khi ngựa... đậu thai
Do giá trị của ngựa đua khá cao, nên những trại nuôi ngựa đua thường nuôi kèm ngựa nái để sinh sản. Ngựa nái thường là ngựa đã “về hưu” và được phối giống ở trường đua Phú Thọ. Giá mỗi lần “phối” là 1,5 triệu đồng, nhưng tỉ lệ ngựa nái “đậu thai” rất thấp (khoảng 3%-4%). Do vậy mỗi khi “nái” nhà nào “đậu thai” coi như chủ ngựa đó... trúng số, và mở tiệc ăn mừng. Cách để nhận biết ngựa có thụ thai hay không chỉ cần để ngựa đực và ngựa cái ở gần chuồng với nhau, khi thấy ngựa đực hí mà “hoa sung” (bộ phận sinh dục) của ngựa cái không co dãn tức là đã mang thai. Ngược lại coi như tốn thêm 1,5 triệu đồng để phối giống lại. Quãng thời gian ngựa mang thai cũng là một quá trình nhiêu khê (chu kỳ 11 tháng), lúc này chế độ ăn uống dành cho ngựa được thay đổi tùy theo thời tiết, mỗi ngày khi tắm rửa cho ngựa mang thai, người nuôi phải lấy tay “vê” vú tập cho ngựa mẹ quen. Đối với ngựa con mới ra đời khoảng một giờ đồng hồ, cũng phải tập cho nó bú mẹ bằng cách bóp miệng rồi lấy sữa ngựa mẹ xoa lên mõm để quen mùi. Nếu không làm như vậy, ngựa con sẽ bị cứng hàm. Ông Thành kể, năm ngoái con ngựa nái nhà ông có thai, do không tính kỹ ngày tháng phối giống, ông... phải ngủ cạnh chuồng suốt mấy tuần liền để canh ngựa đẻ.
Ngựa cũng có giấy khai sinh và gia phả
Thực tế không phải ai cũng có cái “tâm” của nghề nuôi ngựa đua. Nhiều trại ngựa thường chích thuốc kích thích để khi cho ngựa ra sân tập sẽ có sức bật và nhảy xa hơn ngựa khác, khiến người mua lầm tưởng là ngựa chiến, đến khi đem ra đua thì... thua liểng xiểng. Vì vậy dân chơi ngựa đua chuyên nghiệp ít ai mua ngựa không có “giấy khai sinh”. Ông Thành giải thích: “Giấy khai sinh được dùng để chứng minh gia phả con ngựa đó là con, cháu của ngựa nào, chiến hay không chiến”. Cách để nhận biết một con ngựa chiến là nhìn 4 cái “vô lê” ở 4 chân ngựa nhỏ hay lớn. “Vô lê” càng nhỏ ngựa càng có độ bền và nhanh nhạy, đồng thời cổ phải dài, ngực thon, đùi sau lớn thì sức bật mới xa, mới mạnh...
Ngủ mơ gọi tên... ngựa
Trước đây, trong trại ngựa của ông Thành có con “PêLê” không những đẹp về dáng, mà thể lực rất tuyệt vời. Khi “PêLê” mới 2 tuổi, ông đem đi thi và đoạt ngay giải nhất. “Lúc đó, người tôi cứ... lâng lâng. Không chỉ vì tiền thưởng mà còn chứng tỏ cho người trong giới biết tay nghề của mình đã thuộc hàng... lão luyện” - ông Thành kể.
Nhưng cũng con “PêLê” đã làm ông phải khóc: “Khi con “Pê lê” bị... chó cắn, tôi đã tìm tới nhiều “thầy” để chữa trị, nhưng cuối cùng cũng bó tay để nó... ra đi. Dạo đó tôi đã mất ăn, mất ngủ cả tháng trời! Thậm chí nhiều đêm ngủ mớ cứ gọi tên ngựa”. Ông Thành nhắc lại chuyện xưa mà giọng vẫn nghèn nghẹn. Đối với người nuôi ngựa, mỗi con ngựa trong chuồng được họ coi như một người thân không thể thiếu trong gia đình. “Chỉ cần nhìn thấy ngựa mạnh khỏe, những âu lo, muộn phiền sẽ tự nhiên tan biến” - ông Thành tâm sự.
Chỉ có... 2 con giống! Theo ông Nhan Văn Trâm, Chủ tịch Hội Chủ ngựa - CLB đua ngựa Phú Thọ, hội viên hiện nay của hội khoảng 1.000 người, số ngựa đua được đăng ký trên dưới 1.000 con, nhưng thực tế chỉ có 600 con thi đấu. Do số lượng ngựa đua tại Việt Nam còn hiếm, nên khi nào ngựa không còn đủ sức để đua thì chủ mới cho ngựa nghỉ. Trong khi đó, nguồn ngựa để làm giống tại TP chỉ có... 2 con. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu chơi ngựa đua, đã xuất hiện nhiều vùng chuyên nuôi ngựa sinh sản để bán như Đức Hòa (Long An), Gò Vấp, Hóc Môn. |
Bình luận (0)