Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 4 bị can, gồm: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ công an); Nguyễn Hoàng Trung, SN 1983, lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập - Thành viên tổ thư ký ông Chung) cùng về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức
Theo kết luận điều tra, ngày 14-5-2019, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan.
Theo kết luận, do quen biết, tháng 6-2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và được ông Phạm Quang Dũng - cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an; người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường - thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ, kết quả điều tra vụ án này. Từ đó, ông Dũng đã nhiều lần đột nhập vào phòng lãnh đạo phòng C03 lấy tài liệu và 3 lần chuyển 12 tài liệu của vụ án này cho ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật".
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị can Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, xác định vào dịp tết Nguyên đán Âm lịch Canh Tý 2020, vào ngày 22-1-2020, tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của Nguyễn Đức Chung 1 phong bì trong đó có 10.000 USD. Bị can Dũng đã thông qua gia đình nộp lại số tiền này.
Từ trái qua: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng - Ảnh: Bộ Công an.
Ngày 10-7-2020, bị can Dũng chủ động tự thú, báo cáo sai phạm của bản thân với cơ quan. Ngoài việc khai nhận những hành vi sai phạm của bản thân, Dũng còn khai thêm khi đột nhập phòng làm việc của một cán bộ tại C03 tìm tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường có thấy một thùng carton nên ôm về vì nghĩ trong đó có tài liệu vụ án. Tuy nhiên khi về nhà mở ra thấy trong thùng không có tài liệu, mà chỉ là thùng đựng điện thoại.
Đến nay kết quả điều tra xác minh, cơ quan điều tra chưa làm rõ được mục đích việc ông Chung đưa 10.000 USD cho Dũng để làm gì, cũng như chưa làm rõ hành vi của Dũng khi chiếm đoạt 16 điện thoại di động nên Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tách 2 hành vi nêu trên để làm rõ, xử lý sau.
Kết luận điều tra xác định các bị can là những cán bộ từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.
Do đó, thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi - triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm, gây khó khăn đến công tác điều tra.
Điều 337: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bình luận (0)