Sáng 13-11, phiên tòa xét xử sơ thẩm Phan Văn Vĩnh (nguyên trung tướng, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cùng 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" bước sang ngày thứ 2.
Ông Phan Văn Vĩnh được đưa tới tòa
Như ngày đầu tiên diễn ra hôm qua (12-11), công tác bảo đảm an ninh cho phiên tòa được thắt chặt từ sáng sớm. Tất cả những người vào dự phiên tòa để phải qua khâu kiểm tra an ninh với các phương tiện kiểm tra hiện đại.
Cũng như ngày đầu tiên ra tòa, ông Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo khác được đưa tới tòa từ sáng sớm. Ông Vĩnh vẫn mặc áo sơ mi sáng màu, áo khoác blu-dông màu xanh nước biển được nhiều cảnh sát áp giải vào tòa.
Trong cả buổi sáng nay 13-11, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục công bố cáo trạng vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ do tính chất vụ án phức tạp, cáo trạng dài. Ngồi nghe công bố bản cáo trạng, ông Phan Văn Vĩnh lộ rõ vẻ mệt mỏi, liên tục giơ tay che mặt ngáp ngủ.
Ông Phan Văn Vĩnh (áo sẫm màu, hàng đầu bên trái) giơ tay che mặt - Ảnh chụp qua màn hình
Trong vụ án này, 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với khung hình phạt tối đa 15 năm tù.
Đáng chú ý, trong phần thủ tục hôm qua 13-11, khi chủ tọa thông báo khi kết thúc sẽ đăng bản án trên cổng thông tin điện tử, một bị cáo là ông Phan Văn Vĩnh đã yêu cầu không đăng bản án liên quan tới mình. Sau đó, HĐXX nói: "Vì có một bị cáo từ chối nên việc đăng tải này sẽ không được công bố bản án công khai lên mạng".
Đề nghị của ông Vĩnh được tòa chấp thuận được báo chí thông tin rộng rãi, sau đó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người băn khoăn việc từ chối cho công bố bản án của bị cáo Phan Văn Vĩnh theo quy định pháp luật được quy định thế nào?
Đại diện VKS công bố bản cáo trạng - Ảhh chụp màn hình
Cáo trạng quy kết ông Vĩnh và ông Hóa dung túng cho Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao, gọi tắt là Công ty CNC) và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Ông Vĩnh còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC; chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất bộ trưởng Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club).
Về hành vi "Tổ chức đánh bạc", cáo trạng thể hiện rõ năm 2014, Hoàng Thanh Trung (SN 1978, ngụ TP Hà Nội; đang bỏ trốn) chủ động gặp Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC Online) bàn về việc tìm đối tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến. Trung đề nghị Nam tìm pháp nhân để xây dựng game đánh bạc. Năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương. Biết CNC là công ty bình phong của C50 được ông Vĩnh và ông Hóa bảo kê nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành game đánh bạc.
Tháng 4-2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng, tổng giám đốc Công ty CNC, ký hợp đồng với Phan Sào Nam về việc cung cấp phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Win2all khai thác thương mại, với tên Rikvip, đặt tại địa chỉ trang web Rikvip.com. Theo đó, CNC là đơn vị phát hành dịch vụ, cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho dịch vụ và đứng tên giấy phép. Còn VTC online là đơn vị sản xuất, phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng và phần mềm liên quan. Tỉ lệ phân chia doanh thu thực hiện theo thỏa thuận: Nếu doanh thu đến 5 tỉ đồng/tháng thì CNC hưởng 30%, VTC online hưởng 70%; từ trên 5 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng/tháng, CNC hưởng 35%, VTC online 65%; trên 15 tỉ đồng, CNC hưởng 40%, VTC online 60%...
Trong khi đó, Phan Sào Nam đề nghị chị họ là Đỗ Bích Thủy, giám đốc Công ty Nam Việt, cho mượn pháp nhân công ty để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Hoàng Thành Trung được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty này, điều hành mọi hoạt động tại Hà Nội.
Sau khi vận hành thử, từ tháng 4-2015, nhóm điều hành bắt đầu khai thác game bài Rikvip. Các bên thu tiền đánh bạc từ nguồn thẻ cào viễn thông, thẻ game qua công ty trung gian thanh toán gạch thẻ HomeDirect hoặc từ thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế… Chỉ sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, nhóm tổ chức đường dây đánh bạc này đã xây dựng được hệ thống gồm 25 đại lý cấp I, hơn 5.800 đại lý cấp II để chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi bất chính hơn 9.800 tỉ đồng. Trong đó, Dương hưởng lợi 1.655 tỉ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.400 tỉ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng 1.500 tỉ đồng; 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone hưởng hơn 200 tỉ đồng. Ngoài ra, nhóm điều hành đường dây đánh bạc còn dành hơn 2.600 tỉ đồng được dành trả thưởng cho các con bạc.
Bình luận (0)