Ngày 17-3, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND TP HCM tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (cựu chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) cùng 6 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Cho vay không cần tài sản bảo đảm
HĐXX xác định DAB là bị hại và 2 bị cáo Khánh, Bình phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình giữ chức Tổng Giám đốc DAB từ năm 1998-2015, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng DAB từ năm 2006-2015. Trong quá trình quản lý điều hành DAB, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho DAB.
Trong lần xét xử này, vụ án liên quan nhóm công ty do bị cáo Khánh thành lập hoặc nhờ đứng tên thành lập gồm: Công ty CP Đầu tư sản xuất thương mại XNK Ngôi Sao, Công ty CP Đầu tư Liên Phát, Công ty TNHH MTV Phát Vạn Hưng, Công ty CP Biển Bạc, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Quân và Công ty CP M&C (gọi là nhóm Công ty M&C).
Khi các khoản vay của nhóm Công ty M&C đến hạn thanh toán nhưng không còn nguồn tài chính nào để trả nợ cho DAB, Phùng Ngọc Khánh trao đổi với Trần Phương Bình cho Khánh sử dụng pháp nhân của 5 công ty này vay tiền để trả các khoản nợ đến hạn tất toán. Trần Phương Bình đồng ý và yêu cầu Khánh đưa quyền sử dụng hơn 62.000 m2 đất (tại phường An Phú, quận 2, nay là TP Thủ Đức, TP HCM) làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, thống nhất giá trị của tài sản bảo đảm này là 2.100 tỉ đồng.
Để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và hợp thức tài sản bảo đảm chung của 5 khoản vay, Phùng Ngọc Khánh đã chỉ đạo lập khống hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hơn 62.000 m2 đất này cho Công ty CP Đầu tư Liên Phát; lập khống hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các công ty trong nhóm Công ty M&C.
HĐXX nhận định bị cáo Trần Phương Bình biết rõ hồ sơ vay vốn được lập khống nhưng vẫn duyệt hồ sơ mà không cần thẩm định tài sản và phương án kinh doanh. Tính đến ngày 24-5-2022, 5 khoản vay trên dư nợ hơn 5.055 tỉ đồng (nợ gốc 1.680 tỉ đồng).
Tháng 10-2022, Hội đồng Định giá trong Tố tụng hình sự TP HCM kết luận định giá tài sản hơn 62.000 m2 đất mà DAB nhận thế chấp chỉ có hơn 41.900 m2 có giá trị pháp lý, trị giá hơn 79,65 tỉ đồng, không đủ để trả nợ đối với 5 khoản vay của nhóm Công ty M&C.
Theo HĐXX, nhóm Công ty M&C không có tài sản bảo đảm khác, không có hoạt động kinh doanh, không có khả năng tài chính để trả nợ các khoản vay. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 5.055 tỉ đồng.
Ngoài ra, năm 2009, Công ty M&C của Khánh gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng chi trả hoạt động kinh doanh và trả nợ. Trong khi đó, DAB đã cho công ty này vay đủ hạn mức nên Khánh phải vay vốn tại Ngân hàng An Bình với hình thức phát hành trái phiếu, dù Công ty M&C không đủ điều kiện phát hành. Để thực hiện được điều này, Khánh nhờ Trần Phương Bình chỉ đạo DAB phát hành thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu gửi Ngân hàng An Bình.
Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, Công ty M&C không có tiền trả cho Ngân hàng An Bình nên DAB phải cho Công ty M&C vay hơn 146 tỉ đồng trái quy định pháp luật. Đến nay, khoản vay này dư nợ gần 462 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên
HĐXX nhận định bị cáo Trần Phương Bình là người chịu trách nhiệm cao nhất tại DAB, bị cáo Bình biết rõ nhóm Công ty M&C không có khả năng tài chính để chi trả cho hoạt động kinh doanh và trả nợ cho DAB nhưng vẫn cho Khánh vay. Như vậy, bị cáo Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại tại DAB là 5.500 tỉ đồng.
Trước đó, đại diện bị hại yêu cầu tòa án buộc các cá nhân là thành viên hội đồng quản trị, đại diện của nhóm Công ty M&C ký các khoản vay phải hoàn trả số tiền thất thoát hơn 5.500 tỉ đồng cho DAB. Tuy nhiên, theo HĐXX, các bị cáo phạm tội dẫn đến gây thiệt hại cho DAB lẽ ra phải có trách nhiệm liên đới bồi thường nhưng xét thấy bị cáo Khánh đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền của DAB và sử dụng vào mục đích cá nhân, các bị cáo còn lại không được hưởng lợi nên bị cáo Khánh phải bồi thường toàn bộ số tiền thất thoát tại DAB.
Trong khoản tiền gốc 1.826 tỉ đồng mà Khánh đã vay, Khánh đã dùng 51 tỉ đồng trả nợ cho bị cáo Bình. Do đó, tòa án buộc bị cáo Bình hoàn trả lại cho DAB và số tiền này được khấu trừ vào khoản tiền bị cáo Khánh phải trả lại cho DAB.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm khắc. HĐXX đánh giá trừ bị cáo Nguyễn Văn Thuận (cựu Phó Giám đốc Sở Giao dịch), các bị cáo còn lại đều thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng áp dụng nhiều tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khi lượng hình, như: Cả 8 bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, một số bị cáo có thời gian dài cống hiến cho ngân hàng, có bị cáo phạm tội lúc đang mang thai, có bị cáo đang nuôi con nhỏ...
HĐXX xét thấy cần có hình phạt nghiêm khắc cũng như khoan hồng đúng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Từ đó, HĐXX tuyên mức hình phạt đối với các bị cáo như sau: Trần Phương Bình 20 năm tù; Phùng Ngọc Khánh 19 năm tù; các bị cáo còn lại mức án từ 1 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù.
Ông Trần Phương Bình nhận 4 bản án
Đây là vụ án thứ 4 bị cáo Trần Phương Bình bị đưa ra xét xử liên quan đến hàng loạt sai phạm trong quá trình điều hành dẫn đến thất thoát tiền của DAB. Trong đó có vụ án, các bị cáo gây thất thoát hơn 8.000 tỉ đồng. Tổng hợp 4 bản án, ông Trần Phương Bình phải thi hành án phạt chung là tù chung thân.
Bình luận (0)