Sáng 25-6, HĐXX sơ thẩm vụ án Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB) thất thoát hơn 8.800 tỉ đồng tiến hành xét hỏi nhiều nội dung liên quan đến giao dịch vay vốn giữa DAB với Công ty CP M&C, với tài sản đảm bảo là những dự án "khủng"; mối quan hệ hợp tác giữa DAB, Công ty CP M&C và Công ty TNHH MTV Ba Son (Công ty Ba Son).
Các bị cáo hầu tòa
Theo cáo trạng, Công ty Ba Son và Công ty CP M&C ký hợp đồng đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn- Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM). Hai bên thỏa thuận phía Công ty CP M&C đặt cọc 500 tỉ đồng. Ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) đề nghị DAB rót vốn.
Khi đó, ông Bình có đề nghị việc ngân hàng sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng ý nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai. Từ hồ sơ thế chấp đó, ông Bình và cấp dưới duyệt vay 1.520 tỉ đồng.
Đáng nói, thỏa thuận thế chấp tài sản trên tại DAB không đề cập đến Công ty Ba Son. Trong khi, đây mới là đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án. Chính vì thế, đại diện VKS khẳng định dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn- Ba Son không đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo.
Bị cáo Trần Phương Bình trần tình: "Đâm lao phải theo lao..."
Ngoài ra, Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống, thế chấp trái phiếu không có giá trị. Tổng thiệt hại DAB gánh chịu từ việc làm sai trái do 2 bị cáo trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là hơn 3.400 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận bản thân biết việc duyệt hồ sơ như vậy là trái quy định pháp luật. Bị cáo chấp thuận với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn nợ cũ, chứ không hề có ý trục lợi. Do tin tưởng nên bị cáo duyệt tất cả hồ sơ Phùng Ngọc Khánh đưa vào.
Bị cáo Bình thú nhận hành vi "vẽ" dự án, hợp thức hóa tài sản định giá. "Khi làm việc với Công ty Ba Son, bị cáo nghĩ rằng nếu hai doanh nghiệp hợp tác khai thác dự án thì họ có thể trả nợ. Dù lường trước rủi ro nhưng bị cáo nghĩ rằng bị cáo nên tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp rồi đâm lao phải theo lao…" - bị cáo Bình trần tình.
Dựa trên cáo buộc đại diện VKS nêu tại tòa, chủ tọa phiên tòa chất vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước về quy trình thẩm định tài sản đảm bảo trong những khoản vay trên. Theo chủ tọa phiên tòa, đại diện VKS khẳng định 25.000 trái phiếu Công ty CP M&C phát hành không có giá trị. Trong khi đó, đây là một trong những tài sản doanh nghiệp thế chấp vay hàng trăm tỉ đồng tại DAB. "Hội đồng định giá nghĩ như thế nào về vấn đề này khi định giá tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty CP M&C?" - chủ tọa chất vấn đại diện Hội đồng định giá tài sản thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời HĐXX, người đại diện cho biết quy định pháp luật không bắt buộc tổ giám định đưa ra nhận định về trái phiếu doanh nghiệp.
Bình luận (0)