Chiều 17-11, phiên tòa xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm tội Tổ chức đánh bạc.
Được gọi lên thẩm vấn, bị cáo Phan Sào Nam, cựu giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online, khai bản thân bị cáo có quen biết bị cáo Nguyễn Văn Dương, chủ tịch HĐTV Công ty CNC, vào cuối năm 2014 và đầu 2015.
Bị cáo Phan Sào Nam
Trước khi ký kết hợp đồng, bị cáo Nam biết Dương là chủ tịch Công ty CNC. Dương nói công ty Dương là đơn vị bình phong của Bộ Công an. "Khi chúng tôi gặp trực tiếp, anh Dương cũng khẳng định như vậy. Sau đó, chúng tôi có trao đổi các hướng phát triển dịch vụ game bài cho tương lai" - bị cáo Nam khai.
Theo bị cáo Nam, cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn) có phần mềm game bài chất lượng tốt muốn cùng bị cáo phát triển dịch vụ này. Sau này khi Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương, 2 bị cáo đã trao đổi về vấn đề này và Dương nói cũng có khả năng phát triển dịch vụ game.
"Đến tháng 4-2015 mới hợp tác với CNC vì lúc đó tôi biết việc xin cấp phép cho game bài khá là khó khăn. Sau khi gặp anh Dương, anh Dương nói có thể làm được việc này nên chúng tôi hợp tác làm game này" - Nam khai.
Bị cáo Phan Sào Nam (áo xanh da trời) và Nguyễn Văn Dương (áo trắng) được đưa tới phiên tòa
HĐXX truy hỏi: "Quá trình thực hiện, bị cáo biết được cấp phép chưa", Nam đáp: "Quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo hiểu là trò chơi này chưa được cấp phép". HĐXX tiếp tục truy hỏi: "Tại sao bị cáo biết rất khó được cấp phép mà vẫn hợp tác phát hành game bài này?"; bị cáo Nam đáp: "Bị cáo hiểu CNC là công ty bình phong, anh Dương có nói rõ nghĩa là làm chức năng trinh sát ngoại tuyến, chức năng kinh tế nghiệp vụ. Bị cáo chỉ biết việc này sau khi trao đổi với anh Dương" - Phan Sào Nam giải thích.
Theo lời Phan Sào Nam, giai đoạn đầu tiên, từ tháng 4-2015 đến 2016, CNC luôn làm tốt công việc, đúng với hợp đồng ký kết như: Làm về kỹ thuật, đăng ký tên miền…"Ở góc độ đó, bị cáo rất tin tưởng là CNC hợp tác nghiêm túc. Ngoài ra, anh Dương luôn khẳng định đang trong quá trình hoàn thiện để xin cấp phép" - bị cáo Nam khai.
Quá trình phát hành game, theo Nam, một số cơ quan công an, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tới làm việc với Công ty VTC Online. Lúc đó, công ty VTC Online cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp tác với Công ty CNC, bị cáo Nam không rõ vì sao lại không bị xử lý.
Số tiền 500 tỉ đồng công an thu giữ của Phan Sào Nam - Ảnh: H.H.
Sau đó, bị cáo Nam đã thường xuyên trao đổi với Nguyễn Văn Dương vì bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra. "Dương nói anh sẽ làm việc với các cơ quan đó để xử lý"- Nam nói tại tòa.
Trước bục khai báo, Nam khai trong giai đoạn 1, số tiền mà VTC Online nhận được khoảng 2.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2, bị cáo nhận phần chia sẻ doanh thu từ Dương về và không hạch toán vào các pháp nhân nữa.
Về số tiền này, do game này có tính chất đổi thưởng, doanh thu khoảng hơn 9.000 tỉ đồng phần lớn để đổi thưởng cho người chơi, còn lại bị cáo chi phí cho chi phí vận hành khác. Vì cá nhân bị cáo không trực tiếp vận hành kỹ thuật nên bị cáo không rõ chi tiết chi phí đó, bị cáo chỉ chuyển tiền theo yêu cầu khi mà các bên yêu cầu thanh toán.
Phan Sào Nam thừa nhận cá nhân hưởng 1.475 tỉ đồng như cáo trạng nêu. Số tiền này bị cáo đã chuyển cho người thân và bạn bè, thành lập các công ty khác, đầu tư bất động sản… "Bị cáo đã chuyển cho dì ruột khoảng 236 tỉ đồng cất giữ hộ, sau đó nhờ đầu tư sinh lời. Số tiền gửi cho bạn bè và người thân, bị cáo không nói nguồn gốc số tiền cho họ biết"- Nam phân trần.
Bình luận (0)