Ngày 8-1, theo nguồn tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế".
Ông Trương Quốc Cường
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến 2014, bị can Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, là người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục Quản lý Dược. Tuy nhiên, bị can Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Cụ thể, bị can thiếu trách nhiệm trong việc thành lập, quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Bị can này cũng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao trong việc điều hành, giám sát bộ phận thường trực đăng ký thuốc, để bị can Phạm Hồng Châu, Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, và bộ phận thường trực đăng ký thuốc có nhiều sai phạm.
Theo đó, khi thực hiện xét duyệt cấp số đăng ký cho 7 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, trong khi biên bản thẩm định và hồ sơ không đủ điều kiện cấp, bị can Trương Quốc Cường đã không phát hiện được những sai phạm trong biên bản thẩm định khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền chủ trì xét duyệt 5 thuốc; hoặc tham gia với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt 2 thuốc; không kiểm tra, kiểm soát kỹ danh mục thuốc đã được xét duyệt trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét và trước khi ký quyết định cấp số đăng ký nên không phát hiện ra hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada không đủ điều kiện cấp số đăng ký. Hậu quả xảy ra là 7 hồ sơ thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được xét duyệt, cấp số đăng ký để 6/7 loại thuốc trên nhập khẩu vào Việt Nam điều trị cho người bệnh, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng xác định trong quá trình điều tra, Trương Quốc Cường không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Trong giai đoạn truy tố, Trương Quốc Cường thừa nhận đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu Cục Quản lý Dược, để cấp dưới có nhiều hành vi sai phạm trong việc tổ chức thẩm định hồ sơ, kết luận biên bản đề nghị cấp số đăng ký thuốc; cùng với các thành viên Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc Health 2000 Canada, trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp.
Theo nội dung cáo trạng của VKSND Tối cao, sau khi xảy ra vụ án VN Pharma giai đoạn 1, mặc dù nhận được nhiều nguồn thông tin cảnh báo, nhưng Trương Quốc Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada đã nhập khẩu. Dẫn đến hậu quả, sau ngày 21-11-2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá 3,8 tỉ đồng.
Theo lời khai của Trương Quốc Cường, đối với việc không đình chỉ lưu hành thuốc, bị can nhận thức là chưa có đủ điều kiện để quyết định đình chỉ lưu hành nhưng đến nay bị can nhận thấy, việc không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và ăn năn về hậu quả xảy ra.
Bị can Trương Quốc Cường đã nhờ gia đình nộp tiền khắc phục một phần hậu quả do hành vi không đình chỉ lưu hành thuốc gây ra. Qua đó, ngày 31-12-2021, bà Đỗ Hoài Anh (vợ Trương Quốc Cường) đã nộp số tiền 1,8 tỉ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án TP Hà Nội.
Bình luận (0)