Trung tâm Cơ sở dữ liệu gien tội phạm quốc gia thuộc Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) mỗi năm xử lý khoảng 500 vụ trọng án liên quan tới các hành vi giết người cướp của, hiếp dâm, mất tích… Thượng tá Nguyễn Văn Hà, phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Nếu không có công nghệ giám định gien, rất nhiều vụ án sẽ rơi vào bế tắc, không thể tìm ra thủ phạm”.
Trợ thủ đắc lực
Phòng thí nghiệm giám định gien thuộc Viện Khoa học Hình sự hoạt động vào năm 1999. Từ đó, hàng loạt vụ án có độ khó cao đã được khám phá nhanh chóng. Công tác giám định ADN cũng phục vụ đắc lực trong quá trình điều tra phá án.
Một vụ trọng án khác có sự giúp sức rất lớn của giám định ADN là vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. “Chúng tôi lấy mẫu máu ở hiện trường đem đi giám định ADN và có thể kết luận hai điều: hung thủ không có quan hệ họ hàng với nạn nhân và chỉ có một người. Sau khi đối chứng mẫu gien thì chúng tôi kết luận được Lê Văn Luyện chính là thủ phạm”- thượng tá Hà nói.
Tàng thư gien tội phạm
Khác với những trung tâm giám định ADN khác, Viện Khoa học Hình sự phải xử lý nhiều tình huống khi mà mẫu gien ở hiện trường phức tạp và khó lấy. Chẳng hạn các vụ hiếp dâm tập thể, mẫu tinh trùng của nhiều đối tượng lẫn vào nhau hoặc các vụ giết người lâu ngày mới phát hiện, mẫu máu ở hiện trường bị biến tính. Trong những trường hợp này, theo thượng tá Hà, phải làm đi làm lại nhiều lần, tách các gien trùng lặp để đoạn ADN của thủ phạm hiện rõ.
“Chúng ta cũng cần một tàng thư gien tội phạm để phối hợp với Interpol trong việc phát hiện các tội phạm người Việt Nam gây án ở nước ngoài hoặc người nước ngoài gây án tại Việt Nam”- đại tá Khanh nhìn nhận.
Bình luận (0)