Chiều mưa, sân tòa vắng lặng. Chỉ duy nhất cánh cửa một phòng xử án ly hôn khép hờ. Bên trong phòng xử, đâu đó vang ra tiếng khóc thút thít của trẻ thơ. Đó là phòng xét xử vụ án ly hôn giữa anh N.T.A và chị L.T.P (cùng 43 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM). Trước khi ra tòa 1 tuần, 2 đứa con của anh chị chưa hề biết chuyện gì đang xảy ra trong gia đình.
Âm ỉ, dai dẳng
Khi mới xây tổ ấm, kinh tế gia đình anh A., chị P. không khấm khá, đôi lúc lâm cảnh túng quẫn. Hai người làm thuê trong nhà hàng, quán ăn ở TP HCM. Thời điểm đó, vợ chồng không dám sinh con vì sợ không lo nổi nơi ở tươm tất, trường học chất lượng. Chưa kể, mẹ chồng chị P. vào bệnh viện liên miên. Cái khó ló cái khôn, anh chị cần cù, mày mò học nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vững nghề, vợ chồng bàn bạc thế chấp mảnh đất hương hỏa, vay vốn ngân hàng mở một quán ăn bình dân. Từ đó, kinh tế dần phất lên. Đến năm 2008, chị sinh con gái đầu lòng. Hai năm sau, con trai út ra đời. Lúc đó, chị cảm thấy hạnh phúc thật viên mãn khi có chồng tôn trọng, con cái "nếp, tẻ" có đủ. Không lâu sau, chị P. biết chuyện chồng có một con trai trạc tuổi con trai chị với người phụ nữ khác. Ở tòa, chị P. kể câu chuyện gia đình mình như vậy.
Chủ tọa phiên tòa thắc mắc: "Nghĩa là, chị xem như không có chuyện gì trong khoảng 5 năm. Sao đến nay, chị lại quyết định ly hôn?".
"Tôi tình cờ trông thấy cô ta ("phòng nhì" của anh A. - PV) và đứa bé tay trong tay với chồng tôi. Thực sự, tôi sốc lắm. Nhưng tôi nhìn 2 con và suy nghĩ về những ngày cơ hàn, đến lúc khá giả, chồng chưa bao giờ to tiếng trong gia đình, 2 con luôn thần tượng ba. Tôi quyết định giữ kín mọi việc. Nhưng tới bây giờ, tôi nghĩ im lặng xây dựng hạnh phúc giả tạo là quá sức đối với mình" - người vợ trả lời.
Anh A. cho rằng mâu thuẫn giữa vợ chồng họ âm ỉ, dai dẳng từ lúc chị P. biết sự thật. Anh cảm nhận tình cảm vợ chồng không còn như xưa. Dù vậy, anh xem như không có chuyện gì xảy ra để tiếp tục làm một người chồng tốt, người cha mẫu mực trước mặt các con. Trước tòa, anh nhận sai và chấp nhận ly hôn.
Tiếng khóc nấc nghẹn của con trẻ
Phiên tòa có lẽ không có gì bàn cãi nếu hai bên không quyết liệt giành quyền nuôi dưỡng con trẻ. Với nguyện vọng nhận quyền nuôi dưỡng 2 con, người chồng cho biết con trai anh là đích tôn trong dòng tộc. Anh trình bày: "Mẹ tôi vốn đã kiệt sức khi biết tin gia đình bỗng chốc tan vỡ. Nếu phải xa 2 cháu, có lẽ bà không trụ được. Thêm nữa, 2 đứa trẻ luôn quấn quýt, chưa bao giờ xa nhau quá một tuần. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị HĐXX giao tôi quyền nuôi dạy 2 con".
Tương tự, người vợ khẳng định chị đủ khả năng chăm sóc 2 con. Các con sẽ sống tốt hơn nếu ở với mẹ vì cha chúng "còn bận lo lắng cho một gia đình khác". Chị P. nhấn mạnh anh A. không chỉ có con của chị là con trai. Anh còn có một con trai với người phụ nữ khác. Vì vậy, chị khẳng định dù thừa tiền bạc nhưng anh không đủ thời gian.
Trước những tranh cãi gay gắt, HĐXX buộc phải gọi 2 đứa trẻ vào hỏi ý kiến. Con gái (12 tuổi) cầm tay em trai (10 tuổi) rụt rè bước vào phòng xử. "Tuần trước, tụi con mới biết sơ sơ là ba mẹ ly dị vì ba có con riêng. Con thương mẹ, cũng thương ba. Con không biết làm thế nào nếu ba mẹ không ở chung nữa" - con gái chị P. ngập ngừng. Bé trai thì chỉ khóc.
Một vị hội thẩm nhân dân giải thích dù không ở chung một nhà như xưa nhưng 2 chị em vẫn có thể gặp nhau, thậm chí gặp hằng ngày. Bà cắt nghĩa để 2 đứa trẻ hiểu và thông cảm cho phiên tòa, cho cha mẹ chúng.
Sau một hồi lâu suy nghĩ, bé gái đồng ý ở với mẹ, bé trai ở với cha. Anh A. và chị P. cũng chấp nhận hằng tuần sắp xếp cho 2 đứa trẻ gặp nhau ít nhất 1-2 lần. Phiên tòa chấm dứt. Chị P. dắt 2 con ra cổng. Anh A. không quên dặn con trai về xếp đồ vào balô, chuẩn bị dọn đi với ba và hứa với con gái sẽ thường xuyên qua chở con đi chơi. Hai đứa trẻ không ngừng rơi nước mắt.
Tính đến năm 2018, anh chị đã kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Bình phong một gia đình hoàn hảo, chuẩn mực không thể cứu vãn một cuộc hôn nhân 20 năm; không ngăn chặn nổi chấn thương tinh thần con trẻ gánh chịu.
Bình luận (0)