Trước đó, ông Nguyễn Thế Dũng, khi còn là Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi cố tình ém nhẹm thông tin về nước tương có chất 3-MCPD của ông Giang. Đáng chú ý, ngày 24-10, ông Nguyễn Đức An, nguyên Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cũng đã có đơn tố cáo một số sai phạm của ông Giang liên quan đến vụ nước tương “đen”.
Cụ thể, từ năm 2001, Sở Y tế TPHCM đã phát hiện nhiều loại nước tương đang được bán trên thị trường có hàm lượng 3-MCPD rất cao. Năm 2002, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP cần có văn bản hỏi ý kiến Bộ Y tế về vấn đề này. Ông Lê Văn Truyền, Thứ trưởng Bộ Y tế vào thời điểm đó, đã có văn bản phúc đáp, nêu rõ: Nhiều nghiên cứu khẳng định chất 1,3 DCP được hình thành từ 3-MCPD, là chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng; khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm có 3-MCPD. Tiếp nhận công văn này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã có bút phê gửi Sở Y tế TPHCM: “Trước mắt, khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, giao Sở Y tế nghiên cứu có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị chức năng có biện pháp khuyến cáo và kiểm tra như ý kiến của Bộ Y tế”.
Đến năm 2005, Bộ Y tế mới có quyết định về tiêu chuẩn xác định chất 3-MCPD và quyết định về quy định hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, dầu hào là không được quá 1 mg/lít. Tháng 12-2006, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã khảo sát 33/75 cơ sở sản xuất nước tương và lấy 20 mẫu để kiểm nghiệm; phát hiện 14 mẫu có chứa 3-MCPD, trong đó có 8 mẫu vượt mức cho phép. Trung tâm này đã có công văn kiến nghị lãnh đạo Sở Y tế phải thông tin đến người tiêu dùng và buộc các cơ sở thay đổi công nghệ mới được tiếp tục sản xuất. Nhận được công văn trên, ông Lê Trường Giang đã không báo cáo cho giám đốc Sở Y tế, nhưng lại chỉ đạo cho Trung tâm Y tế Dự phòng gia hạn thời gian công bố thông tin về 3-MCPD đến tháng 2-2007...
Bình luận (0)