Nội dung công văn hỏa tốc nêu rõ: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến các vi phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) trong thời gian qua, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9-2019.
Nhiều "điểm mờ" về thuế
Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho hay Cục Thuế TP đã cung cấp cho cơ quan công an toàn bộ hồ sơ thuế của Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty liên quan, bao gồm báo cáo thuế hằng tháng, nghĩa vụ nộp thuế… từ khi nhóm công ty này thành lập đến nay.
Nhân viên Công ty Alibaba đập phá xe ủi khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 5” Ảnh: BÍCH NGỌC
Một thanh tra viên của Cục Thuế TP cho rằng do các dự án đất nền chưa có giấy phép nên với số tiền đã thu được từ người góp vốn, Công ty Alibaba sẽ không kê khai thuế. Giả sử cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thì công ty này sẽ che giấu thông tin rồi lập luận dự án chưa được cấp phép, đất nền chưa có hợp đồng mua - bán nên không có lý do gì để kê khai thuế.
"Để có cơ sở, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin liên quan đến mọi hoạt động của công ty này, hoặc người đã mua đất nền cung cấp các chứng từ mua bán qua hình thức góp vốn để cơ quan thuế có bằng chứng phối hợp với các cơ quan chức năng, xác định Công ty Alibaba trốn thuế hay không" - vị thanh tra Cục Thuế TP HCM đề xuất.
Bộ Công an cũng gửi văn bản đến Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp nhân, hồ sơ báo cáo thuế, nghĩa vụ nộp thuế, các vi phạm về lĩnh vực thuế (nếu có) của các hoạt động của Công ty Alibaba trên địa bàn.
Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết đã phát hiện 10 công ty kinh doanh bất động sản nghi có mối liên hệ với hoạt động của Công ty Alibaba. Trong 10 công ty này, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ 3 công ty cho Bộ Công an làm rõ những dấu hiệu nghi ngờ. Riêng 7 công ty còn lại cục thuế cũng đã xác định có các thông báo về đăng ký thuế, in hóa đơn đều có chung một địa chỉ trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM), là địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty Alibaba. Qua rà soát phát hiện các công ty này có 2 năm không phát hành hóa đơn, không có doanh thu, song vẫn có báo cáo định kỳ, nên ngành thuế đang theo dõi, để có hướng xử lý.
Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho hay để phục vụ việc điều tra, xử lý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến 29 "dự án" của Công ty Alibaba nằm trên địa bàn tỉnh này.
Rao bán "dự án ma" khắp nơi
Theo tìm hiểu, 29 "dự án" của Công ty Alibaba tại Đồng Nai nằm tập trung ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc. Cụ thể, tại huyện Long Thành có 27 dự án, trong đó có 21 dự án ở xã Long Phước, 3 dự án ở xã Phước Thái và 3 dự án còn lại rải đều trên 3 xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Hai dự án khác nằm ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch và Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Những dự án trên từng được rầm rộ rao bán nhưng ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định đến hiện tại tỉnh chưa ban hành bất cứ một quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Công ty Alibaba làm các dự án bất động sản.
Tương tự, không hề đăng ký đầu tư, không có thủ tục pháp lý nhưng "dự án" Alibaba Thắng Hải Newtimes City của Công ty Alibaba vẫn rao bán rầm rộ tại tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, Công ty Alibaba đăng nhiều thông tin quảng bá về dự án này trên mạng xã hội, gọi đây là một "siêu phẩm", "đất nước Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận" kèm theo thông tin giới thiệu dự án 35 ha, đã được phân ra hơn 1.800 nền, giá bán 1,9 triệu đồng/m2. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có khá nhiều khách hàng đã đặt cọc, ký kết hợp đồng mua đất nền dự án, trong khi khu đất Công ty Alibaba giới thiệu là dự án "siêu phẩm" tại Bình Thuận thực chất là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm rộng hơn 30 ha ở xã Thắng Hải thuộc sở hữu của một cá nhân ở ngoài tỉnh Bình Thuận.
Đặc biệt, Công ty Alibaba "nổi lên" tại BR-VT vào năm 2018, đầu năm 2019 với hàng loạt "dự án" được rao bán trên mạng xã hội, chủ yếu là tại khu vực thị xã Phú Mỹ. Theo báo cáo của UBND thị xã Phú Mỹ thì có 7 dự án mà website Công ty Alibaba cũng như mạng xã hội đăng tải trên địa bàn bao gồm: Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1, Alibaba Tân Thành Center City 2, Alibaba Tân Thành Center City 3, Alibaba Tân Thành Center City 4, Alibaba Tân Thành Center City 5, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Center City 7.
Mới đây, UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp với các phường, xã đã cưỡng chế 2 "dự án" lớn của công ty này là "Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1" với tổng diện tích hơn 134.000 m2 tọa lạc tại xã Châu Pha do ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ TP Hà Nội) đứng tên sở hữu và khu đất thứ 2 của "Dự án Alibaba Tân Thành Center City 5" có tổng diện tích 48.000 m2 tọa lạc tại xã Tóc Tiên do ông Nguyễn Thái Lực (ngụ Gia Lai) đứng tên chủ đất. Ngoài "Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1" được xây dựng hệ thống đường, bó vỉa, phân từng khu hoành tráng thì qua khảo sát của phóng viên, các "dự án" còn lại cũng mới chỉ được đầu tư những con đường rải đá sơ sài, chưa có hệ thống đường, điện, cống nước nhưng đã rao bán rầm rộ.
Chống người thi hành công vụ và phát ngôn gây phẫn nộ
Liên quan đến "dự án" mà Công ty Alibaba rao bán, tại "Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1", trước đó ngày 13-6, UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ tiến hành cưỡng chế hành chính bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thay đổi hiện trạng mục đích sử dụng đất (làm đường trái phép) trên đất nông nghiệp. Khi đoàn đang thi hành quyết định cưỡng chế thì có nhóm người mặc áo in dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba" đứng tập trung tại khu đất phản đối và ngăn cản đoàn cưỡng chế. Cơ quan điều tra đã làm việc với 10 người có hành vi chống đối.
Sau khi nhân viên của Alibaba bị tạm giữ, ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng hàng chục người đã kéo đến cổng trụ sở Công an thị xã Phú Mỹ liên tục hô hào đòi thả người. Ông Nguyễn Thái Luyện trước đó còn livestream trên fanpage của Công ty Alibaba đòi dùng xe ủi để ủi vào nhà của ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ.
Ở vụ việc trên, cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 2 nhân viên của Công ty Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh (SN 1995) về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Trong đó, Trinh đã hô hào, chỉ đạo còn Trần Quốc Tĩnh dùng đá đập phá chiếc xe ủi.
Cũng trong thời gian này, trên fanpage của Công ty Alibaba phát trực tiếp chương trình tọa đàm nhân viên "Sự việc cưỡng chế sai quy định pháp luật - Tập đoàn địa ốc Alibaba làm gì để vượt qua?". Trong đó ông Nguyễn Thái Luyện có nói: "Tôi hỏi anh chị là học cái gì ra làm công an xã? Học cái gì? Học ngu ra làm công an xã. Các anh chị để ý mấy thằng quậy quậy, phá làng, phá xóm không làm cái gì thì kêu vô làm công an xã. Học cái gì ra làm chủ tịch xã? Học làm côn đồ…". Những phát ngôn này đã gây phẫn nộ vì dư luận cho rằng ông Luyện đã miệt thị lực lượng công an xã, chủ tịch xã.
Xô xát với bảo vệ Công ty Alibaba, khách hàng nhập viện
Khoảng 15 giờ 20 phút ngày 22-7, vợ chồng anh T.T.P (43 tuổi) đến trụ sở Công ty Alibaba (đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) để tìm hiểu vấn đề mua bán bất động sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi anh P. đến nơi thì bị bảo vệ ngăn cản không cho vào trong công ty. Anh P. bức xúc yêu cầu được vào nói chuyện với chủ đầu tư thì xảy ra xô xát.
Anh P. được chở đến Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu sau khi xô xát với bảo vệ tại trụ sở Công ty Alibaba Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Lúc này, có một người mặc áo trắng và nhóm người mặc đồng phục bảo vệ Công ty Alibaba ập vào khống chế anh P. Vụ xô xát khiến anh P. bị thương nặng, được chở đến Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Sau khi lập hồ sơ điều tra bước đầu, công an phường đã chuyển giao cho Công an quận Thủ Đức xử lý theo thẩm quyền.
Bình luận (0)